Khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023

Dự Lễ khai mạc, về phía đại biểu Trung ương có: Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; bà Cao Thị Ngọc Lan – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Đại biểu thành phố Hà Nội có: Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Quyền – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; ông Phạm Quí Tiên – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023
Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023.

Phát biểu khai mạc Lễ hội, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, nằm trong các sự kiện năm 2023 của ngành Du lịch Thủ đô, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội có quy mô lớn, được đầu tư dàn dựng công phu, thu hút sự tham gia của trên 70 gian hàng đến từ các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, sự hưởng ứng tích cực của các nghệ nhân, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, các cơ sở sản xuất và kinh doanh quà tặng trên địa bàn Hà Nội…

Khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu khai mạc Lễ hội.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (từ 3 – 5/11/2023) với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Lễ khai mạc chương trình; 2 phiên Tọa đàm “Phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023”; các Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng.

Tại Lễ hội sẽ có các hoạt động trình diễn đường phố; hoạt động văn nghệ tại khu vực sân khấu chính và đường phố như trình diễn thời trang “Dấu ấn tinh hoa”, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian… Lễ hội được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo khách du lịch và nhân dân Thủ đô.

Khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023
Các đại biểu bấm nút khai mạc Lễ hội.

Theo Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch năm 2023 không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các làng nghề, nghề truyền thống mà còn là điều kiện và cơ hội để tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ.

Đồng thời, là cầu nối giúp các nghệ nhân, các làng nghề, các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở sản xuất kinh doanh quà tặng, các đơn vị thiết kế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu, tìm hiểu kết nối thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành hàng quà tặng lưu niệm hướng đến mục tiêu trở thành ngành công nghiệp quà tặng du lịch.

Khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023
Các đại biểu thăm gian hàng sản phẩm thủ công truyền thống.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương kỳ vọng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền Thành phố, sự chung tay góp sức của các địa phương, sự đồng lòng của mỗi người dân và doanh nghiệp, sự ủng hộ của du khách trong nước và quốc tế, ngành Du lịch Thủ đô sẽ có những bước phát triển đột phá.

Từ đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành một trong những trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới. Từ đó, xứng đáng là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng khác đã được vinh danh.

Khai mạc Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023
Chương trình nghệ thuật tại Lễ hội.

Hà Nội vốn được mệnh danh là mảnh đất trăm nghề, có khu phố cổ, có hệ thống di tích lịch sử – cách mạng cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú…. Những vốn quý này đều chứa đựng rất nhiều chất liệu văn hóa, những câu chuyện hay để “truyền tải” một cách mạnh mẽ thông qua từng sản phẩm.

Với 1.350 làng nghề, số lượng làng nghề lớn nhất cả nước hiện nay, Hà Nội có nguồn tài nguyên phong phú và cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp sản xuất quà tặng hấp dẫn, đa dạng, đầy bản sắc văn hóa và mang tính đặc trưng của Thủ đô.

Xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là thế mạnh, những năm qua, Thành phố đã chỉ đạo tập trung và triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề nổi tiếng, kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch; triển khai chương trình OCOP; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề; xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch nhằm tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến Hà Nội…

Những lợi ích của việc phát triển du lịch làng nghề, phát triển sản phẩm nghề truyền thống thành những sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch không chỉ góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá, tạo nên giá trị tăng thêm cho một điểm đến du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, khuyến khích chi tiêu, tăng giá trị kinh tế mà còn góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích