Trường hợp nào phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?

(Xây dựng) – Bà Trịnh Kim Khánh (Hà Nội) có câu hỏi về các trường hợp phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhờ hướng dẫn giải đáp.

Trường hợp nào phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?
Trường hợp nào phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?

Nội dung câu hỏi như sau:

Doanh nghiệp của bà Trịnh Kim Khánh (Hà Nội) có 100% vốn nước ngoài, thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam từ năm 2019. Doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng và có hai nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Sau 3 năm tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bắt đầu phát sinh lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp trong năm 2022 là 10 tỷ đồng.

Hiện nay, doanh nghiệp bà Khánh có nhu cầu sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp để mua máy móc thiết bị từ nước ngoài nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của dự án (các máy móc thiết bị này không thuộc trường hợp cấm nhập khẩu, cấm chuyển giao công nghệ, hạn chế chuyển giao công nghệ).

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nguồn vốn đăng ký thực hiện dự án được xác định trên cơ sở vốn góp của nhà đầu tư; vốn huy động để thực hiện dự án đầu tư; lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư (nếu có).

Do đó, trong trường hợp doanh nghiệp bà Khánh sử dụng 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp (khác với lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư) để mua máy móc, thiết bị nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của dự án thì có phải làm thủ tục điều chỉnh tổng vốn đầu tư quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định:

“1. Vốn đăng ký thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở:

a) Vốn góp của nhà đầu tư bằng tiền, máy móc, thiết bị, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản khác theo pháp luật về dân sự, điều ước quốc tế về đầu tư;

b) Vốn huy động để thực hiện dự án đầu tư;

c) Lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư (nếu có)”.

Căn cứ quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật Đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, bao gồm vốn đầu tư của dự án đầu tư (vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).

Do đó, trường hợp doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để mua máy móc, thiết bị nhằm mục đích thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, cần nghiên cứu thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo các quy định nêu trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích