Thừa Thiên – Huế: Kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi trước mùa mưa bão

(Xây dựng) – Nhiều công trình hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có thời gian sử dụng lâu, không được kiểm định chất lượng, ngày càng xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hàng năm, gần đến mùa mưa bão UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thành lập đoàn kiểm tra, rà soát để có hướng xử lý kịp thời.

Thừa Thiên - Huế: Kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi trước mùa mưa bão
Công trình hồ chứa nước Thọ Sơn (thị xã Hương Trà).

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 55 hồ chứa thủy lợi, trong đó 1 hồ chứa có dung tích trên 100 triệu m3; 2 hồ chứa có dung tích từ 10-100 triệu m3; 5 hồ chứa có dung tích từ 3-10 triệu m3; 48 hồ chứa nước loại nhỏ. Trong đó, Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên – Huế quản lý 24 hồ lớn, vừa và nhỏ, còn lại do các huyện, xã quản lý.

Theo quy định tất cả các công trình hồ, đập thủy lợi đã vận hành, khai thác từ 5-10 năm trở lên phải tiến hành kiểm định an toàn. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hồ, đập thủy lợi đã đưa vào sử dụng hàng chục năm nhưng vẫn chưa được kiểm định do thiếu kinh phí.

Thừa Thiên - Huế: Kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi trước mùa mưa bão
Công trình đập Thảo Long, xã Phú Thanh (thành phố Huế) được đưa vào khai thác từ năm 2008, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục.

Ông Đỗ Văn Đính – Chủ tịch Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên – Huế cho biết: Đơn vị hiện đang quản lý 24 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 8 hồ lớn, 7 hồ vừa và 9 hồ nhỏ. Đến nay, mới có hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ, hồ Khe Ngang… đã tiến hành kiểm định giai đoạn 1, còn các hồ khác chưa triển khai kiểm định do thiếu kinh phí.

Nhiều hồ bị hư hỏng nhẹ, dù không phát hiện sự cố lớn nhưng một số hạng mục phụ trợ đã xuống cấp, đập đất có hiện tượng trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí xuống cấp, một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Trong đó, các hồ Khe Bội, A Lá, Khe Nước…; đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Nhiều công trình hồ chứa do huyện, thị xã, xã, phường quản lý được xây dựng cách đây hơn 30 năm đã xuống cấp và nằm gần khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như: các hồ Trằm Giàng, Trằm Nãi (huyện Phong Điền); các hồ đập Bao, Đồng Bào, Thủy Lập (huyện Quảng Điền)…

Nhiều hồ đập đã xuống cấp, hư hỏng, nhiều hồ, đập bị xói lở tràn xả lũ, thấm qua thân đập, sạt mái thượng hạ lưu… Một số hồ không có đường cứu hộ, nếu có thì khi nước dâng đến mức báo động 2 là ngập. Nhiều hồ đập không thể quan trắc do khi xây dựng không có hệ thống quan trắc; không có cửa van điều tiết và quy trình vận hành…

Nhằm đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi trước mùa mưa bão, hàng năm, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thành lập tổ tư vấn an toàn hồ đập tiến hành kiểm tra, soát xét tất cả các hồ đập trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện công trình nào có dấu hiệu hư hỏng sẽ báo cáo trình UBND tỉnh xin chủ trương kiểm định, khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên, qua kiểm tra đến nay vẫn chưa phát hiện công trình nào hư hỏng lớn.

Thừa Thiên - Huế: Kiểm tra an toàn hồ đập thủy lợi trước mùa mưa bão
Hồ chứa nước Thọ Sơn (thị xã Hương Trà) có dung tích chứa 6 triệu m3 nước.

Làm việc với ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều hồ chứa nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế của tỉnh. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương triển khai đầu tư các dự án hồ, đập trên địa bàn là hết sức cần thiết. Cụ thể, việc đầu tư Dự án hồ Thủy Cam (huyện Phú Lộc) sẽ đảm bảo cho việc tưới cho khoảng 460ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô góp phần giảm lũ cho hạ du và cải tạo môi trường sinh thái. Đầu tư Dự án hồ Ô Lâu Thượng (huyện Phong Điền) sẽ góp phần đảm bảo cung cấp nguồn nước cho sự phát triển ổn định vùng huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền và huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), tạo nền tảng phát triển cân đối giữa các địa phương. Dự án sửa chữa đập Thảo Long thuộc thành phần số 8 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, dự kiến triển khai thi công vào đầu năm 2024.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Việc đầu tư, sửa chữa các dự án hồ, đập trên địa bàn tỉnh là cần thiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thứ trưởng đề nghị tỉnh khẩn trương giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực hiện dự án. Tiếp tục rà soát và đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo việc đầu tư công trình mang lại hiệu quả thiết thực, đồng bộ.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích