Long An: Nâng cao công tác quy hoạch và phát triển đô thị

(Xây dựng) – Ngày 13/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phấn đấu là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị – công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được duyệt, Long An chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát lại quy hoạch chung toàn bộ các đô thị trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp quy hoạch tỉnh và lập mới đồ án quy hoạch chung của các đô thị mới được xác định trong quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Long An đang triển khai công tác lập quy hoạch chung đô thị đối với toàn bộ địa giới hành chính của 3 huyện Đức Hòa, Cần Giuộc và Bến Lức.

Long An: Nâng cao công tác quy hoạch và phát triển đô thị
Công viên mũi tàu thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Nâng cao công tác quy hoạch và quản lý sau quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết: Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được duyệt, Sở Xây dựng sẽ tham mưu, phối hợp UBND cấp huyện tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung các đô thị Tân An, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc; đôn đốc việc rà soát quy hoạch chung các đô thị còn lại và quy hoạch chung xây dựng các xã trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các khu vực đã có quy hoạch chung được duyệt; hướng dẫn, nâng cao chất lượng công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc trên phạm vi toàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

“Việc lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đảm bảo chất lượng, mang tính chiến lược, đúng theo quy định, chính sách pháp luật hiện hành. Qua đó, tác động tích cực đến đời sống kinh tế – xã hội của địa phương, làm cơ sở cho đầu tư xây dựng các công trình, chỉnh trang và phát triển đô thị… từng bước đưa địa phương phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần làm tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Hùng nói.

Hiện tại, toàn tỉnh có 19/19 đô thị đã duyệt quy hoạch chung đô thị nên sẽ tiến hành rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch tỉnh và lập mới đồ án quy hoạch chung đô thị mới được xác định trong quy hoạch tỉnh.

Đối với đô thị Đức Hòa đã được Bộ Xây dựng họp thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Đức Hòa, tỉnh Long An đến năm 2045. Hiện nay, đang hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch để báo cáo Bộ Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đô thị Bến Lức đang tổng hợp tiếp thu ý kiến đối với nhiệm vụ quy hoạch chung; Riêng đô thị Cần Giuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 11/11/2022. Hiện nay đồ án quy hoạch đang tổ chức lấy kiến tại địa phương.

Song song đó, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra phối hợp xử lý, hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý chất lượng công trình, quản lý trật tự xây dựng. Đảm bảo các công trình được xây dựng trên địa bàn theo đúng quy hoạch xây dựng, đảm bảo chất lượng, đúng giấy phép xây dựng. Đồng thời, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các địa phương về hướng dẫn, theo dõi quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.

“Bên cạnh đó, Sở Xây dựng thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật xây dựng trên địa bàn tỉnh theo phân cấp năm 2023, nhằm mục đích kiểm tra theo chức năng quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng về việc chấp hành pháp luật trong công tác: Quản lý quy hoạch xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, trật tự xây dựng, xử lý vi phạm hành chính, quản lý về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản… Qua đó, đánh giá những hoạt động đã đạt được, chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và rút ra bài học kinh nghiệm để có hướng lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn trong thời gian tới nhằm khắc phục có hiệu quả những tồn tại hạn chế, tiếp tục phát huy mặt làm được. Hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xây dựng. Xử lý theo quy định đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật về hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh”, ông Hùng cho biết thêm.

Phát triển đô thị theo hướng sinh thái bền vững

Đại hội đại biểu tỉnh Long An lần thứ XI xác định khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa. Trong đó có chương trình đột phá xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, từ khi tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Long An đến năm 2030 (phê duyệt năm 2018), bộ mặt đô thị Long An có nhiều thay đổi. Đô thị phát triển theo hướng tiếp cận đô thị bền vững, sinh thái, thông minh, đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và đồng bộ. Trong đó tiếp tục xây dựng đô thị thành phố Tân An là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị loại I; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc trở thành đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển các dự án khu đô thị mới với kiến trúc hiện đại, quy mô hợp lý, đa chức năng theo hướng đô thị thông minh (Bắc Bến Lức, Nam Bến Lức, Đức Hòa, Đông Cần Giuộc, Bắc Thủ Thừa, các đô thị ven Trục động lực kết nối Tiền Giang – Long An – Thành phố Hồ Chí Minh); đồng thời, quan tâm cải tạo, nâng cấp các khu đô thị hiện hữu gắn với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống của địa phương.

“Từ nay đến năm 2030, các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy”, ông Hùng cho biết thêm.

Hiện nay, tỉnh Long An đang tiến hành rà soát lại việc lập quy hoạch chung toàn bộ các đô thị trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp quy hoạch tỉnh và lập mới đồ án quy hoạch chung của các đô thị mới được xác định trong quy hoạch tỉnh. Đồng thời, báo cáo Bộ Xây dựng để cập nhật vào Kế hoạch phát triển đô thị và đề xuất Bộ Xây dựng cập nhật vào Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

Long An: Nâng cao công tác quy hoạch và phát triển đô thị
Hạ tầng đô thị Long An phát triển hiện đồng bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng đã điều chỉnh chỉ tiêu phát triển nhà ở phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, đô thị hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh đang triển khai lập đề án nhà ở xã hội giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu xây dựng khoảng 95.000 căn nhà ở xã hội. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 là 30.000 căn, trong đó nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp hoàn thành 274.280m2 sàn tương ứng 5.000 căn, nhà ở cho công nhân hoàn thành 1.289.967m2 sàn tương ứng 25.000 căn; Giai đoạn 2026-2030 là 65.000 căn, trong đó nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là 10.000 căn (khoảng 590.750m2 sàn), nhà ở cho công nhân khoảng 55.000 căn, tương đương gần 2,8 triệu m2 sàn.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Long An phấn đấu có 27 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (thành phố Tân An), 1 đô thị loại II (thị xã Kiến Tường), 3 đô thị loại III (Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa), 9 đô thị loại IV (Cần Đước, Đông Thành, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ và Tầm Vu) và 13 đô thị loại V. Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Long An sẽ đạt khoảng 55%, các đô thị loại III phải bảo đảm hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị về hạ tầng, nhất là hạ tầng xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển mạnh các đô thị tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích