Đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

(Xây dựng) – Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử như một mốc son rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là chiến thắng của sức mạnh trí tuệ và lòng dân Việt Nam. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã có những đóng góp to lớn cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta.

Đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường (ảnh tư liệu).

Tây Bắc là địa bàn cư trú của hơn 30 dân tộc anh em. Vùng đất này nắm giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với cách mạng ở Đông Dương. Phía Đông tiếp giáp với Việt Bắc, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và phía Tây giáp Thượng Lào.

Từ bao đời nay, quân và dân Tây Bắc luôn giữ được truyền thống đấu tranh cách mạng vô cùng mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp sức người, sức của để tạo mọi điều kiện cho lực lượng vũ trang ngoài chiến trường.

Đóng góp nhân lực, vật lực phục vụ cho Chiến dịch

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta chủ trương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Theo kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, tổng quân số tham gia chiến dịch dự kiến cần khoảng 42.750.000 người, khối lượng vật chất phải bảo đảm gồm 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô và 434 tấn đạn.

Phát huy tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, trong Đông Xuân 1953-1954, nhân dân cả nước đã đóng góp trên 300.000 dân công, gồm 10 triệu ngày công, hơn 26.000 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, khối lượng lớn gấp nhiều lần so với các năm trước. Nhân dân Tây Bắc, chủ yếu là bốn huyện Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, Quỳnh Nhai, Thuận Châu đã đóng góp 32.000 dân công, 7.130 tấn gạo, 389 tấn thịt, chiếm hơn 10% tổng số dân công, gần 30% số lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch. Riêng huyện Tuần Giáo giáp Điện Biên Phủ – mặc dù người thưa ruộng hiếm cũng đóng góp cho mặt trận 1.200 tấn gạo.

Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, Lai Châu – mảnh đất nằm ở nơi “cuối trời Tây Bắc” vừa là mặt trận, vừa là vùng trung tuyến của chiến dịch. Vào thời điểm đó, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lai Châu đã đồng tâm hiệp lực huy động vượt mức được giao 43 tấn gạo, hàng chục tấn thịt, rau xanh, đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chiến trường.

Nằm ở cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Yên Bái cũng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch. Hàng chục nghìn lượt thanh niên nam nữ của tỉnh đã tham gia vào các công việc mở đường, tải đạn và tiếp lương cho bộ đội. Nhân dân Yên Bái đóng góp được 300 tấn gạo, 105 tấn thịt và hàng vạn tấn rau xanh.

Khai thông và mở các tuyến đường

Trong báo cáo Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, Tổng Quân ủy chỉ rõ vấn đề khó khăn lớn nhất của quân ta lúc này là đường xá. Xuất phát từ thực tế đó, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là khâu làm đường, đảm bảo giao thông thông suốt cho chiến dịch. Đây là yếu tố tiên quyết để các lực lượng, phương tiện chiến đấu, tiếp tế hậu cần ra đến được mặt trận.

Thực hiện nhiệm vụ do Trung ương giao phó, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong của đồng bào Tây Bắc cùng với Trung đoàn công binh 151 đã không ngại xẻ núi, làm cầu, kè ngầm trong hoàn cảnh thời tiết bất lợi và sự bắn phá của các loại máy bay địch. Tại các địa điểm trọng yếu như đèo Lũng Lô, đèo Puốc, Pha Đin, đèo Mèo…có những ngày địch ném từ 160 đến 300 quả bom các loại. Bằng sự quyết tâm tối đa và lòng kiên cường, sau hơn 3 tháng (từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 3/1954), ta đã tu sửa xong các tuyến đường 13, 37, 41; đồng thời thông tuyến kịp thời, giúp vận tải cơ giới và xe kéo pháo cơ động ra được tiền tuyến đúng kế hoạch đề ra. Đồng bào Tây Bắc tự nguyện đóng góp tre, gỗ, nứa để chống sụt đường, xây dựng cầu cống, các kho trung chuyển hậu cần…

Một trong những thành công lớn của tuyến vận tải thời kỳ này là “đường đồng bào”, “đường nhân dân”. Chúng là những con đường nhỏ chạy giữa núi rừng, có cấu tạo như chùm rễ cây, hướng về phía Điện Biên Phủ. Hệ thống mạng lưới đường độc đáo đó đem lại nhiều hiệu quả. Trước hết, vì chúng ẩn khuất dưới tán lá rừng, cơ động qua các loại địa hình phức tạp nên tránh được sự phát hiện của không quân địch. Bên cạnh đó, cấu trúc đường nhỏ lại phù hợp với các phương tiện vận tải thô sơ và đôi chân của người Việt Nam.

Vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường

Lúc bấy giờ, Hội đồng Cung cấp mặt trận khu Tây Bắc là một trong những đơn vị phụ trách công tác vận chuyển, đảm bảo lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch nhanh chóng, kịp thời. Tuy nhiên, việc vận chuyển chi viện cho chiến trường gặp nhiều khó khăn vì khoảng cách từ hậu phương đến tiến tuyền rất dài và phải vượt qua địa hình rừng núi. Phương tiện của quân ta thô sơ nên thường xuyên bị quân địch ngăn chặn, đánh phá. Vậy nhưng, bất chấp lửa đạn của quân thù cùng hàng nghìn khó khăn, các đoàn vận tải, đoàn dân công vẫn ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, vũ khí ra hỏa tuyến, tiếp tế cho bộ đội.

Phương tiện vận chuyển hàng chủ yếu của đồng bào các dân tộc Tây Bắc là xe đạp thồ. Nhân dân còn nghĩ ra việc lắp thêm một số bộ phận mới như: Tay ngai, tay phanh, khung phụ… vào xe đạp thồ giúp chở được khối lượng hàng nhiều hơn. Khi chiến dịch nổ ra, lực lượng dân công đã được phân thành từng đoàn từ 30-40 xe; mỗi đoàn lại được chia nhỏ ra các nhóm nhỏ khoảng 5-6 xe. Mục đích của việc này là để xe có thể dễ dàng băng đèo, vượt suối. Nhân dân Tây Bắc đã hòa chung vào với khung cảnh hàng vạn đồng bào, người nối người với những bó đuốc tạo thành những con rồng lửa trong đêm sương giá, trườn qua những vùng núi đá tai mèo tải đạn, tải gạo cho bộ đội.

Đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Dân công vận chuyển hàng hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh tư liệu).

Là điểm tựa tinh thần cho bộ đội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam đã từng căn dặn: “Không có nhân dân thì không có bộ đội”, “Quân với dân như cá với nước”. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng chính tình quân dân đã tạo nên một sức mạnh to lớn để vượt qua mọi thách thức, chiến thắng mọi kẻ thù.

Trong những năm tháng khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc chăm lo cho bộ đội từ cái kim, sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh cũng như thường xuyên thăm hỏi, động viên, gửi những bức thư cổ vũ tinh thần cho các chiến sỹ trên mặt trận. Hiện nay, Bảo tàng Quân khu 2 còn lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật, thể hiện sự yêu mến, đùm bọc, chở che của nhân dân Tây Bắc với những người lính áo xanh. Đó có thể là chiếc khăn piêu của đồng bào dân tộc Thái (Sơn La), những chiếc túi đựng thuốc đánh răng bằng chất liệu thổ cẩm do các cháu học sinh tỉnh Yên Bái tự làm bằng tay hoặc bức châm với dòng chữ “Đại hội cháu ngoan Bác Hồ huyện Văn Chấn kính tặng các chú bộ đội”. Tất cả những tình cảm gần gũi, yêu quý đó của đồng bào đã trở thành động lực tinh thần to lớn giúp các chiến sỹ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ.

Tham gia công tác địch vận

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, công tác địch vận được sử dụng như một mũi tiến công sắc bén vào hàng ngũ kẻ thù. Đây là một hoạt động của công tác Đảng, công tác chính trị có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục, giác ngộ sĩ quan và binh sĩ Pháp đứng về phía chính nghĩa, chống lại chiến tranh xâm lược. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác địch vận, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên khắp cả nước đẩy mạnh thực hiện, coi nó là nhiệm vụ mang tính chiến lược và có tính chất quần chúng rộng rãi.

Mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi quân ta giành thắng lợi nhanh chóng tại Him Lam và đồi Độc lập, hàng ngũ địch đã có tâm lý sợ sệt, lo lắng. Tại Bản Kéo, binh lính cùng chỉ huy của quân địch phải trốn chui lủi trong hầm. Lúc này, đồng bào các dân tộc Tây Bắc cùng với các lực lượng vũ trang khác đã phát tán nhiều tờ truyền đơn bên trong cứ điểm. Vì thế mà đa số lính bên địch là lính Thái đã giữ những tờ truyền đơn trong tay và muốn ra đầu hàng. Quân ta cũng gọi loa kêu gọi lính Thái không theo Pháp, hãy trở về với thôn bản, không dùng súng giết hại đồng bào.

Ngoài ra, dưới chân đồn Bản Kéo còn có một bức tranh lớn vẽ đoàn lính Thái rời bỏ vị trí kèm dòng chữ: “Quay trở về với Tổ quốc, với đồng bào, các anh sẽ được đón tiếp tử tế”. Cuối cùng, hàng binh Thái chạy về phía quân đội ta khá nhiều. Cứ như vậy trong suốt 56 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta luôn làm rất tốt công tác địch vận. Nhiều hình thức địch vận được tiến hành như: Rải truyền đơn, gọi loa, vẽ khẩu hiệu, đối xử nhân đạo, tổ chức hồi hương với tù binh, hàng binh…Các biện pháp đó đã làm giảm sút tinh thần chiến đấu của địch, giúp ta đỡ đổ nhiều xương máu trong chiến đấu.

Dù 70 năm đã trôi qua nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị lịch sử, là “cây cột mốc bằng vàng” của dân tộc Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Dân tộc ta mãi mãi tự hào về miền Tây Bắc anh hùng, về Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại”. Vùng đất Tây Bắc vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương tại chỗ của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Và đồng bào các dân tộc Tây Bắc có quyền tự hào vì đã có những đóng góp to lớn, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích