Đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao

Dự Hội nghị có: Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến, các Phó Giám đốc BHXH Thành phố, lãnh đạo các các phòng trực thuộc cùng đại diện các các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Hà Nội.

Những kết quả nổi bật

Thông tin tại Hội nghị, đại diện BHXH thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng BHXH Thành phố đã nỗ lực, cố gắng, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ, từ đó hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.057.698 người, tăng 74.936 người, tăng 3,78% so với năm 2022; đạt 100,18% Kế hoạch BHXH Việt Nam giao; chiếm 43,9% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 0,9% chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố giao. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 106.339 người, tăng 31.324 người, tăng 41,76% so với năm 2022; chiếm 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 0,3% chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố giao.

Số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 7.988.832 người, tăng 250.620 người, tăng 3,24% so với năm 2022; đạt 100,63% Kế hoạch BHXH Việt Nam giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94% dân số, vượt 0,5% chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố giao. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 1.990.227 người, tăng 74.020 người, tăng 3,86% so với năm 2022; đạt 100,44% Kế hoạch BHXH Việt Nam giao; chiếm 39,8% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 0,8% chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân Thành phố giao.

Đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao
Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến phát biểu tại Hội nghị.

Công tác giải quyết các chế độ BHXH, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Năm 2023, BHXH Thành phố đã thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 667.023 lượt người (giảm 296.807 lượt người, giảm 30,79% so với năm 2022) với số tiền 8.477 tỷ đồng (tăng 1.217 tỷ đồng, tăng 16,76% so với năm 2022). Công tác chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng an toàn, chính xác, đảm bảo người hưởng trước ngày 10 của tháng với 2 hình thức chi trả: Thông qua hệ thống bưu điện và qua tài khoản thẻ ATM. Năm 2023, BHXH Thành phố thực hiện chi lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cho 584.828 người hưởng với tổng số tiền hơn 39.103 tỷ đồng (tăng 4.687 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2022).

Bên cạnh đó, trong năm, BHXH Thành phố đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 190 cơ sở khám chữa bệnh (với 614 điểm khám chữa bệnh, kết nối liên thông dữ liệu) để thực hiện công tác khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đối với y tế cơ sở, có 478/574 trạm y tế xã tham gia khám chữa bệnh BHYT. Năm 2023 phát sinh 12.621.067 lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng 16,7% so với năm 2022. Chi phí KCB BHYT là 22.536.107 triệu đồng, tăng 15% so với năm 2022.

Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm chú trọng. Năm 2023, BHXH Thành phố đã phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện 5.182 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch 4.189 cuộc, đạt 117,6 % Kế hoạch được BHXH Việt Nam giao; thanh tra, kiểm tra đột xuất 993 cuộc. Số tiền các đơn vị đã thanh tra, kiểm tra nộp để khắc phục chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 515,6 tỷ đồng (đạt 79%).

Công tác chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ, toàn diện, thực hiện tốt việc giao dịch hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia BHXH, BHTN; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Công tác thông tin, truyền thông được đổi mới toàn diện với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn dân cư, đảm bảo đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông

Để đạt được những kết quả trên, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, BHXH Thành phố luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; trong đó, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội đã tích cực vào cuộc góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn Thủ đô đối với chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Qua đó đã góp phần phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là BHXH tự nguyện.

Bước sang năm 2024, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Hà Nội tiếp tục đồng hành cùng BHXH Thành phố trong thực hiện công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Cụ thể, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về cải cách chính sách BHXH; Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 24/8/2018 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 2/10/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 24/8/2018 của Thành uỷ Hà Nội…

Cùng đó, đẩy mạnh truyền thông lan tỏa sự thành công trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách an sinh xã hội này trên địa bàn; trách nhiệm, ý nghĩa, kết quả việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với người tham gia BHXH, BHYT. Phổ biến các quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia, đóng BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị (người sử dụng lao động), người lao động; quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm về BHXH, BHYT; xử lý vi phạm khi đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động; các lợi ích, quyền lợi của đơn vị và của người lao động khi tham gia, đóng BHXH, BHYT.

Tăng cường truyền thông sâu, rộng về vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng và được nhận thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu; những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần. Truyền thông quyền lợi, thủ tục khi đi khám chữa bệnh BHYT để bệnh nhân tự giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện góp phần quan trọng trong quản lý sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Đặc biệt, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục phối hợp với BHXH Thành phố đẩy mạnh truyền thông về cải cách thủ tục hành chính ngành BHXH, những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô khi sử dụng dịch vụ công của Ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT như: Việc sử dụng các ứng dụng VssID – BHXH số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến; truyền thông để người dân hiểu và thực hiện các nhiệm vụ của Ngành triển khai theo Đề án 06 về liên thông đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử, trợ cấp mai táng phí; gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; truyền thông, hướng dẫn người dân nhận các khoản chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân; sử dụng ứng dụng VNeID, căn cước công dân gắn chíp để đi khám chữa bệnh thay cho thẻ BHYT giấy…

T.P

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích