Doanh nghiệp đề xuất Hà Nội ứng dụng máy bay không người lái trong tương lai gần

Nhằm lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo “Quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô”.

Theo đề xuất chính sách, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là việc ứng dụng, thử nghiệm các mô hình mới được giới hạn về phạm vi, đối tượng, điều kiện, thời gian và chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực mà chưa được pháp luật quy định, cần được thí điểm để tạo đột phá về giá trị và hiệu quả. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát này không áp dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Phạm vi lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát gồm: Các giải pháp công nghệ mới; Mô hình Quỹ Đầu tư mạo hiểm thành phố Hà Nội; Mô hình khu phát triển thương mại và văn hóa ở một số địa điểm trên địa bàn Thủ đô có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa; Mô hình kinh doanh mới khác.

TS. Trần Thiên Phương, Công ty cổ phần công nghệ thông minh MiSmart đã có tham luận đề xuất cơ chế thí điểm, thử nghiệm có kiểm soát cho một số lĩnh vực kinh doanh mới ứng dụng máy bay không người lái tại Hà Nội.

Theo ông Phương, máy bay không người lái (UAV hay drone) là một công nghệ mới nổi với nhiều ứng dụng thực tế rất tiềm năng và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, điện lực, viễn thông, xây dựng, an ninh công cộng, vận tải, cứu nạn, cứu hộ… Tuy nhiên, việc sử dụng UAV tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế do các quy định pháp lý chưa rõ ràng và thiếu tính linh hoạt.

Doanh nghiệp đề xuất Hà Nội ứng dụng máy bay không người lái trong tương lai gần
TS Trần Thiên Phương đề xuất ứng dụng UVA vào vận tải hành khách hoặc hàng hoá. (Ảnh: T.T.Phương)

Đề xuất cụ thể việc ứng dụng UVA vào tận tải hành khách hoặc hàng hoá, TS Trần Thiên Phương cho biết, vận tải hành khách bằng UAV (taxi bay chở người) hay còn gọi là taxi bay là một phương tiện giao thông mới, có tiềm năng giải quyết các vấn đề giao thông đô thị như ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Loại hình taxi bay hiện đã cấp phép hoạt động tại 5 nước trên thế giới là Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, New Zealand và Úc và được thí điểm tại nhiều nước như Qatar, UAE, Singapore, Thuỵ Điển, Anh, Đức, Pháp…

Tại Việt Nam, loại hình phương tiện này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, chưa được triển khai thí điểm. Taxi bay có thể được sử dụng để vận chuyển hành khách trong phạm vi ngắn, như trong nội thành, khu đô thị, khu công nghiệp, từ thành phố đến sân bay… UAV có thể giúp giảm áp lực, ùn tắc giao thông, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Theo TS Trần Thiên Phương, có thể thí điểm loại hình taxi bay chở người tại khu vực nội đô Hà Nội, với các tuyến bay kết nối giữa hai địa điểm xuyên tâm thành phố hoặc từ 1 bãi bay ở đê tả sông Hồng, thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội (đầu cầu Nhật Tân) đến sân bay Nội Bài, sử dụng loại UAV VTOL (cất cánh thẳng đứng) có khả năng chở tối đa 4 hành khách, tầm bay tối đa 100 km, tốc độ bay tối đa 200 km/h…

Để thực hiện thí điểm, cần xây dựng và ban hành các quy định pháp lý đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để quản lý hoạt động thí điểm của taxi bay; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm các sân bãi bay, đường nối giữa bãi bay và các trục giao thông để phục vụ hoạt động thí điểm; ban hành các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và vận hành taxi bay.

Cụ thể, Hà Nội cần ban hành quy định về UAV “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam), “Make in Vietnam” (thiết kế và làm chủ công nghệ tại Việt Nam), “Make in Hanoi” là các công ty được cấp phép thiết kế, sản xuất UAV bởi Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhằm định hướng giúp các doanh nghiệp UAV Việt Nam chuyển dịch mạnh mẽ, từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, chủ động sản xuất tại Việt Nam, các giá trị công nghệ được sản sinh hoàn toàn tại Việt Nam.

Đồng thời, Hà Nội cần ban hành chính sách ưu đãi thuế đối với các UAV “Made in Vietnam/make in Vietnam” của các công ty Việt Nam được cấp phép thiết kế, sản xuất UAV bởi Bộ Quốc phòng. Cụ thể: Ưu đãi thuế giá trị gia tăng bằng 0 giống các UAV nhập khẩu dành cho lĩnh vực nông nghiệp; miễn thuế tiêu thụ đặc biệt; miễn thuế nhập khẩu linh kiện, phụ kiện như động cơ, cánh quạt, linh kiện… để sản xuất UAV; ưu đãi thuế xuất khẩu UAV.

Hà Nội cũng cần ban hành quy định chi tiết và giản tiện các thủ tục xuất khẩu UAV đối với các UAV “Made in Vietnam/make in Vietnam” của các công ty Việt Nam được cấp phép thiết kế, sản xuất bởi Bộ Quốc phòng. Xây dựng và áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi, linh hoạt cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc ngành UAV giúp tăng khả năng tiếp cận vốn, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng tín dụng phục vụ tăng trưởng quy mô.

Cùng với đó, ban hành các cơ chế vệ tinh khác hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp máy bay không người lái như hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ đào tạo, nhân lực…

Hà Nội cũng cần ban hành quy định người điều khiển máy bay (phi công) phải được đào tạo, cấp chứng chỉ khai thác, sử dụng UAV nhằm bảo đảm hoạt động bay an toàn, tránh các sự cố ảnh hưởng đến an toàn xảy ra trong hoạt động hàng không dân dụng; ban hành bộ trách nhiệm pháp lý (chế tài) chi tiết đủ tính răn đe đối với các hành vi kinh doanh, khai thác, sử dụng UAV không đúng quy định, sai phép, sai mục đích….

Theo TS Trần Thiên Phương, các chính sách này cần được thiết kế phù hợp với thực tiễn của Hà Nội, đảm bảo tính linh hoạt, sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng UAV. Đồng thời, chính sách cần được triển khai thí điểm, thử nghiệm tại một số quận, huyện nhất định, trước khi áp dụng rộng rãi trên cả Thành phố.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích