Chuyên gia gợi ý cách huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản

Công ty Cổ phần FiinGroup mới đây có báo cáo về chủ đề “Nguồn vốn bất động sản (BĐS): Chiến lược thích ứng nào cho chủ đầu tư?”

Theo báo cáo này, chuyên gia FiinGroup cho biết, giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 72,29 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2021, tập trung vào các trái phiếu cận đáo hạn. Cụ thể, 51,25% tổng giá trị trái phiếu được mua lại có kỳ hạn còn lại là 1-3 năm. Tổ chức tín dụng và bất động sản (BĐS) là 2 lĩnh vực có khối lượng mua lại trái phiếu lớn nhất, đạt 41,85% và 22,76% trong 6 tháng đầu năm, tương đương với 30,2 và 16,4 nghìn tỷ đồng.

Hoạt động mua lại này xuất phát từ các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến các doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Ngoài ra, tâm lý lo ngại trước sự kiện Tân Hoàng Minh hồi tháng 4 cũng buộc một số doanh nghiệp BĐS phải tất toán trước hạn hợp đồng mua trái phiếu theo yêu cầu của trái chủ.

Chuyên gia gợi ý cách huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản
Biểu đồ giá trị mua lại trái phiếu 6 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: FiinRatings, HNX)

Chuyên gia FiinGroup dự báo, giá trị đáo hạn của trái phiếu BĐS vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 37 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn với 84% tổng giá trị so với con số 16% của các doanh nghiệp niêm yết. Hơn thế, áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023 – 2024, việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết.

Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, hoạt động phát hành TPDN của các nhà phát triển BĐS được đánh giá là đã trở lại. Tuy nhiên, các lô trái phiếu này chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp BĐS lớn niêm yết, trong khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh này.

Trong bối cảnh vốn tín dụng của ngân hàng chảy vào BĐS bị hạn chế bởi room tín dụng, chuyên gia của FiinGroup cho rằng các doanh nghiệp BĐS nên mở rộng kênh vốn từ khách hàng và đối tác.

Theo đó, doanh nghiệp BĐS có thể tận dụng kênh vốn từ khách hàng qua việc nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý và tiến độ triển khai dự án để có thể mở bán và nhận các khoản trả trước từ khách hàng, đối tác hợp tác kinh doanh và nhà cung cấp (vốn lưu động).

Doanh nghiệp cần xây dựng và cải thiện hồ sơ tín dụng trên thị trường vốn là giải pháp căn cơ hướng đến một chiến lược vốn tối ưu thay vì khi có nhu cầu huy động vốn mới thực hiện. Đồng thời, cần chủ động xem xét thực hiện xếp hạng tín nhiệm và minh bạch thông tin và rủi ro đến thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng theo chuyên gia FiinGroup, chào bán trái phiếu ra công chúng là một sự lựa chọn quan trọng trong bối cảnh pháp lý hiện nay. Doanh nghiệp tìm kiếm đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực phân phối đến đúng đối tượng mục tiêu và hỗ trợ soạn lập hồ sơ phát hành chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chủ động minh bạch thông tin, trong đó có việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm.

Văn Luận

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích