Việt Yên: Chú trọng phát triển các vùng sản xuất trọng điểm

Ngay sau khi có Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 18/01/2023 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, cập nhật, chỉnh sửa bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, huyện Việt Yên tiếp tục chú trọng duy trì các vùng sản xuất trọng điểm trong đó có 14 vùng sản xuất lúa tập trung, với diện tích 1.241 ha và 09 vùng sản xuất rau tập trung, với diện tích 294 ha.

Bên cạnh đó, trước thực trạng nhiều địa phương còn chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu ra bấp bênh cùng nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao thì mô hình chăn nuôi của huyện Việt Yên đã cho thấy sự hiệu quả rõ rệt. Để chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất chính, đóng góp tích cực trong sự phát triển của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển theo quy mô trang trại, tiếp tục định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi nhờ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế được dịch bệnh.

Mô hình rau thủy canh của HTX Hoài Long, xã Bích Sơn. 
Mô hình rau thủy canh của HTX Hoài Long, xã Bích Sơn. 

Đến nay, huyện đang duy trì 5 vùng chăn nuôi gia cầm, gia súc với quy mô lớn trong đó có: 01 vùng chăn nuôi lợn với quy mô 70.000 con tại các xã Thượng Lan, Minh Đức, Nghĩa Trung, Tự Lạn, Việt Tiến, Hương Mai; 02 vùng chăn nuôi gà với quy mô 700.000 con tại các xã Nghĩa Trung, Minh Đức, Thượng Lan, Việt Tiến, Tự Lạn, Hương Mai, Trung Sơn, Tiên Sơn; 02 vùng chăn nuôi trâu, bò với quy mô 9.100 con (1.100 con trâu và 8.000 con bò) tại các xã Hương Mai, Ninh Sơn, Tiên Sơn, Trung Sơn, Viêt Tiến, Nghĩa Trung, Minh Đức, Thượng Lan. Bên cạnh đó, huyện còn duy trì 5 vùng chuyên canh thủy sản, với diện tích 350 ha, tại các xã: Nghĩa Trung, Việt Tiến, Minh Đức, Thượng Lan, Trung Sơn.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Việt Yên Nguyễn Viết Cường cho biết, để đạt được những mục tiêu trên, huyện đã phối hợp với UBND các xã có vùng sản xuất trọng điểm và các cơ quan, đơn vị liên quan, rà soát các vùng có diện tích chồng lấn không đảm bảo thực hiện vùng sản xuất tập trung và đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch vùng sản xuất. Đồng thời, phối hợp triển khai Quyết định số 2205/QĐ-UBND ngày 28/11/2022 của UBND huyện ban hành phê duyệt Đề án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chuyên sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022 – 2025”. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, cơ giới hoá đồng bộ gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái theo hướng kinh tế tuần hoàn, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với áp dụng quy trình kỹ thuật chuẩn, cấp mã vùng sản xuất và truy xuất nguồn gốc, gắn với sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn khác.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích