Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ xây dựng thành phố thông minh

Tiềm năng lớn trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Trong quá trình phát triển đô thị, công nghệ thông tin ngày càng đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu được trong công tác quản lý đô thị. Công nghệ thông tin đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc và tương tác với môi trường xung quanh, đặc biệt là trong các đô thị hiện đại.

Trong đó, tiềm năng của AI trong quản lý đô thị là rất lớn. AI trong quản lý đô thị có vai trò phân tích và xử lý dữ liệu; tạo ra các hệ thống quản lý đô thị thông minh. Ngoài ra, cung cấp dịch vụ công cộng tốt hơn cho cư dân đô thị, từ việc tư vấn về sức khỏe, giáo dục đến việc cung cấp thông tin và hỗ trợ tài chính, tương tác với người dùng và cung cấp giải pháp thông minh và cá nhân hóa.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ xây dựng thành phố thông minh
Các chuyên gia trao đổi về ứng dụng AI trong xây dựng thành phố thông minh, bền vững.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam, cho rằng, đô thị thông minh là đô thị phát triển bền vững đáp ứng được nhu cầu của chính quyền, người dân, doanh nghiệp trên các khía cạnh kinh tế, vận hành, xã hội, môi trường. Xây dựng đô thị thông minh dựa nhiều trên nền tảng công nghệ thông tin, số hóa, áp dụng các công nghệ số nhằm cung cấp các dịch vụ công hiệu quả, an toàn, hỗ trợ phát triển đổi mới, sáng tạo, kinh doanh và kinh tế số.

Kiến trúc của đô thị thông minh về cơ bản phải có tầng thu thập dữ liệu, tầng truyền thông, tầng tích hợp các hệ thống thông minh theo lĩnh vực ngành dọc, tầng dữ liệu, lầng dịch vụ và ứng dụng, đảm bảo an ninh an toàn thông tin…

“Trên thực tế, AI có thể ứng dụng vào mọi mặt cuộc sống. Đặc biệt, trong đô thị thông minh, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng công nghệ AI có thể ứng dụng vào trong giao thông thông minh, tài nguyên môi trường, du lịch thông minh, quản lý rác thải hỗ trợ giám sát an ninh, cang cấp dịch vụ nắn bắt và giám sát thông tin, hỗ trợ văn bản và các tác nghiệp…”, ông Nguyễn Xuân Hoài cho biết.

Cũng theo ông Hoài, hiện nay có nhiều thách thức ứng dụng AI trong xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, thách thức đến từ dữ liệu; các mô hình và công nghệ AI; giám sát ứng dụng AI theo tiêu chuẩn của pháp luật, đạo đức; nguồn nhân lực; thủ tục hành chính; mô hình và chi phí vận hành…

“Trong xây dựng thành phố thông minh, ứng dụng AI là bắt buộc và tiềm năng ứng dụng là rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tiễn, thời gian qua, có rất nhiều khó khăn và rào cản. Mong rằng qua những hội thảo như thế này, chúng ta sẽ cùng chung tay góp ý, đóng góp để ứng dụng AI trong xây dựng thành phố thông minh hiệu quả”, ông Hoài nhấn mạnh.

“Gỡ khó” để triển khai

Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, cho biết, thành phố Thủ Đức, đã và đang hướng đến đô thị thông minh, lấy người dân là trung tâm.

Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, Thủ Đức cũng đã phối hợp mạng viễn thông, hệ thống camera giao thông, camera an ninh, hệ thống cảm biến, giám sát các hoạt động đô thị môi trường… được quan tâm, triển khai hiệu quả. Hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo các hoạt động của các hệ thống: Trung tâm dữ liệu, nền tảng tích hợp Big Data; mạng WAN/LAN và hệ thống đảm bảo về an toàn an ninh thông tin, cổng thông tin nội bộ…

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ xây dựng thành phố thông minh
GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, thành phố Thủ Đức, đã và đang hướng đến đô thị thông minh, lấy người dân là trung tâm.

Về triển khai chính quyền điện tử, thành phố Thủ Đức đã triển khai khá hiệu quả. Theo đó, phần mềm văn phòng điện tử kết hợp phân hệ tạo lập cơ sở dữ liệu lưu trữ, lịch tuần, theo dõi ý kiến chỉ đạo; 100% cán bộ, công chức xử lý văn bản không giấy.

Đến nay, đã có 1.287 chữ ký số được cấp; phần mềm hồ sơ hành chính, các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành, cung cấp giấy phép điện tử thuộc các lĩnh vực đô thị, xây dựng, môi trường; sử dụng 100% biên lại điện tử, thanh toán trực tuyến; 100% người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng “Thành phố Thủ Đức”…

Trong việc phát triển hệ thống camera, tổng hợp từ nhiều nguồn camera với số lượng lớn là 3.523 camera, trong đó, camera mất kết nối khá nhiều. Phần lớn camera chỉ có chức năng giám sát thông thường và còn ít camera có ứng dụng các công nghệ thông minh; các loại camera đầu tư không đồng bộ, nhiều chủng loại khác nhau và chỉ kết nối tới trụ sở Công an phường.

Tuy nhiên, cũng theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, trong việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Rào cản chính trong vận hành đô thị thông minh ứng dụng AI là về dữ liệu, tiêu chuẩn hóa, con người. Đồng thời, những bài toán liên quan đến xử lý giao thông, môi trường, xử lý văn bản… Đặc biệt, trong việc triển khai AI trong dịch vụ hành chính công, phải xác dịnh việc gì cần làm trước chứ không nên để dàn trải.

Liên quan câu chuyện dữ liệu, ông Lê Anh Văn, Giám đốc nền tảng trợ lý ảo VNPT cũng cho rằng, rào cản thực tế gặp phải trong việc triển khai AI trong thành phố thông minh chính là dữ liệu, hiện nay, nhiều tỉnh thành chưa số hóa được. Nếu chúng ta không làm chủ được công nghệ thì rất khó có thể khai thác được dữ liệu theo hướng chúng ta mong muốn. Bên cạnh đó, khó khăn về con người cũng là một rào cản lớn.

Ông Đỗ Bá Dân – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam, cho biết, thời gian qua, Tập đoàn đã triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn Thủ đô. Nền tảng triển khai AI thì cũng phải xây dựng được dữ liệu.

“Khó khăn ở đây là phải có hoạch định cụ thể cho cả thành phố thông minh trên địa bàn Hà Nội. Ngay ở mô hình di chuyển xanh, thông minh đã có rất nhiều hệ thống thu thập dữ liệu, điều hành. Trong đó, thách thức lớn nhất là bài toán về dữ liệu để thực hiện các mô hình AI”, ông Dân nhấn mạnh.

Tại Hội thảo “AI trong xây dựng thành phố thông minh, bền vững”, các chuyên gia cũng giới thiệu về mô hình triển khai AI camera vào quản lý giao thông đô thị thông minh, AI và trợ lý ảo trong đào tạo, tuyển dụng nhân sự thời đại số, ứng dụng trong các giải pháp cho thành phố thông minh.

Nhóm PV

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích