TP.HCM đề nghị dùng gần chục lô đất để thanh toán các hợp đồng BT

TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng dùng một số quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư các dự án vành đai 2, dự án chống ngập do triều cường.

Ngày 5/8, UBND TP.HCM cho biết đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép dùng một số quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư dự án Vành đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1A và dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.

Theo đó, dự án Vành đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1A (TP Thủ Đức) thực hiện theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư 2.765 tỷ đồng. Ngày 25/11/2016, UBND TP.HCM đã ký hợp đồng số 6827 với liên danh Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái. Dự án khởi công năm 2017.

Tuy nhiên, từ tháng 3/2020 khi dự án đạt 43,8% giá trị hợp đồng xây lắp, nhà đầu tư đã tạm dừng thi công. Một trong những nguyên nhân dự án đình trệ do chưa thống nhất quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

TP.HCM dự kiến quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT có 4 khu (tổng diện tích 24.440m2), gồm Khu đất 642 m2 tại số 234 Lý Tự Trọng (quận 1), khu đất 12.240 m2 tại số 582 đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), khu đất 10.618 m2 tại số 132 đường Đào Duy Từ (quận 10), khu đất 940 m2 tại số 12 Kỳ Đồng (quận 3).

Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận sử dụng 4 khu đất nói trên để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp với quy hoạch của TP.HCM, theo đúng quy định hiện hành.

tphcm de nghi dung gan chuc lo dat de thanh toan cac hop dong bt
Dự án Vành đai 2, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1A (TP Thủ Đức) đang bị ngưng thi công. Ảnh: Phạm Nguyễn.

Nếu giá trị quỹ đất xác định theo giá thị trường tại thời điểm ban hành quyết định giao đất không đủ để thanh toán cho hợp đồng BT dự án, UBND TP.HCM sẽ rà soát, bổ sung quỹ đất đảm bảo nguyên tắc ngang giá theo quy định tại Nghị định số 69 ngày 15/8/2019.

Đường Vành đai 2 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 64,1 km, đến nay đã đầu tư hoàn thành 50,2 km, còn 14 km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành. Đoạn đường chỉ dài 2,75 km nhưng đã ngưng thi công gần 2 năm nay. Công trường khu vực phường Tam Phú, TP Thủ Đức bị bỏ hoang, sắt thép rỉ sét, cây cối mọc um tùm, các cây cầu trơ cả khung sắt.

Tổng chi phí liên danh Công ty CP Đầu tư HNS Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái đã tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành được xác nhận là hơn 1.355 tỷ đồng (tạm ứng cho công tác giải phóng mặt bằng là 960,116 tỷ đồng, xác nhận khối lượng hoàn thành là 395,02 tỷ đồng).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết đoạn 3 của đường vành đai 2 ở TP Thủ Đức (dài hơn 2,7 km) đang gặp các vướng mắc và được TP.HCM tập trung tháo gỡ để tiếp tục hoàn thành.

Suốt 10 năm qua, TP.HCM đều đặt mục tiêu khép kín vành đai 2. Tuy nhiên, trong thời gian qua, TP.HCM mất thời gian chọn lựa phương thức đầu tư. Trước đây có giai đoạn thực hiện theo hình thức BT nhưng kể từ khi có luật đầu tư công mới, hình thức đầu tư này không còn phù hợp nữa.

Về quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, UBND TP.HCM đã chấp thuận về nguyên tắc chủ trương sử dụng 3 khu đất dự kiến thanh toán Hợp đồng BT cho nhà đầu tư, gồm Khu đất tại Lô C8A – Khu A – Khu Đô thị Nam Sài Gòn, phường Tân Phú, quận 7 (diện tích 5.500 m2); khu đất tại 232 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, TP Thủ Đức diện tích 17.573 m2; khu đất tại số 762 Bình Quới, phường 26, quận Bình Thạnh (diện tích 4.298 m2).

UBND TP.HCM đã rà soát pháp lý việc thanh toán bằng quỹ đất hợp đồng BT dự án, Chính phủ đã chấp thuận cho UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai dự án theo hình thức Hợp đồng BT. Do đó, sau khi được Thủ tướng chấp thuận, TP.HCM sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường giao, thuê đất cho nhà đầu tư theo hợp đồng đã ký kết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích