Top 12 điểm đến hoàn hảo gần Thủ đô cho dịp du Xuân Giáp Thìn

Xuân về, lòng người nao nức khắp phố phường Hà Nội, từ những góc cổ kính đến những con đường rợp bóng cây xanh. Mùa Xuân Giáp Thìn 2024 không chỉ mang đến không khí tươi mới mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta khám phá và trải nghiệm những điểm đến lý tưởng gần Thủ đô. Để giúp bạn lên kế hoạch cho những chuyến du xuân đáng nhớ, chúng tôi đã tỉ mỉ lựa chọn và gửi đến bạn “Top 12 điểm đến hoàn hảo gần Hà Nội cho dịp du Xuân Giáp Thìn”.

Vườn Quốc gia Ba Vì

Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km về phía bắc, Ba Vì là thiên đường xanh mướt với không gian yên bình, núi non trập trùng, hứa hẹn một ngày rời xa ồn ào, tận hưởng không khí trong lành. Núi Ba Vì có 3 đỉnh: Đỉnh Vua có độ cao 1.296m, đỉnh Tản Viên có độ cao 1.227m và đỉnh Ngọc Hoa có độ cao 1.131m.

Theo khảo sát gần đây nhất, hệ động, thực vật của Vườn quốc gia Ba Vì rất phong phú và đa dạng với 2.181 loài cây gỗ, 503 loài cây thuốc, 65 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư và 552 loài côn trùng. Trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ, nhiều loài động, thực vật đặc hữu.

Chùa Tây Phương

Đây là nơi tâm linh mang đậm nét kiến trúc cổ kính, nằm yên ả giữa làng quê thanh bình, nơi bạn có thể thả hồn vào không gian yên tĩnh, tìm kiếm sự an nhiên. Chùa Tây Phương (tên chữ “Sùng Phúc tự”) nằm trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, theo hướng Đại lộ Thăng Long. Chùa được đặt trên đỉnh núi cao hơn 100m, kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm 3 ngôi chùa song song với nhau dọc theo sườn núi.

Không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Chùa đã được trùng tu nhiều lần đến thời nhà Tây Sơn 1788 – 1802, được dựng lại và giữ nguyên hình dáng kiến trúc như ngày nay. Nổi bật nhất ở chùa Tây Phương là hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng.

Đầm Long – Công viên sinh thái

Một chốn bình yên với hồ nước trong vắt, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Đầm Long là điểm đến lý tưởng để hòa mình vào dòng chảy của núi rừng. Khu du lịch Đầm Long thuộc địa phận xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km. Đây là một khu sinh thái khá nổi tiếng với hệ thống động, thực vật phong phú cùng nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của nhiều lứa tuổi.

Khu du lịch Đầm Long sở hữu diện tích rừng nguyên sinh gần 20ha. Tổng diện tích cả khu là 70ha, một không gian rất rộng cho du khách tự do trải nghiệm và khám phá. Trong khu rừng sinh thái tại khu du lịch Đầm Long có hơn 400 loại cây cùng nhiều loài động vật: khỉ, nai, hươu, sóc, chồn,…

Top 12 điểm đến hoàn hảo gần Thủ đô cho dịp du Xuân Giáp Thìn
Nhà cổ, trong làng cổ Đường Lâm.

Làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm nằm ở thị xã Sơn Tây, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km. Làng có lịch sử hơn 1.000 năm, được coi là một trong những làng cổ nhất Việt Nam. Bước chân vào làng Đường Lâm, bạn sẽ được sống lại không gian văn hóa của một làng quê Việt Nam xưa, với những ngôi nhà cổ kính và con người mộc mạc, hiền hòa.

Chùa Hương – Mỹ Đức

Điểm hành hương linh thiêng thu hút hàng triệu tâm hồn mỗi dịp Xuân về, Chùa Hương không chỉ là nơi tìm về cội nguồn mà còn là chốn ngắm cảnh sơn thủy hữu tình. Chùa Hương bao gồm hàng chục ngôi chùa, đền và đình linh thiêng, tiêu biểu như chùa Thiên Trù, đền Trình, Đền Cửa Võng…

Mỗi ngôi chùa, đền đều mang một nét đẹp riêng, góp phần tạo nên tổng thể kiến trúc hài hòa, độc đáo. Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất ở Việt Nam, diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống đa dạng và đặc sắc như: Bơi thuyền, leo núi, hát chèo, hát văn…

Ngoài đi lễ chùa, du khách đến Chùa Hương còn có thể tham gia các hoạt động du lịch, thăm quan di tích lịch sử, kiến trúc tâm linh đặc sắc như ngồi đò trên dòng suối Yến, leo núi đến chùa Trong và Động Hương Tích…

Bái Đính – Tràng An

Chùa Bái Đính thuộc huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình cách trung tâm Hà Nội chừng 100km, đi khoảng 1h45p. Bái Đính – Tràng An Ninh Bình là hai trong các địa điểm thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhên thế giới được Unesco công nhận năm 2014. Trong đó, Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm.

Chùa Bái Đính nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Bái Đính – Tràng An. Quần thể chùa Bái Đính được xây dựng từ năm 2003, có diện tích được xác lập là rộng nhất Việt Nam với 539ha, được bao bọc xung quanh là những vòng cung núi đá vôi kỳ vĩ. Chùa Bái Đính gắn liền với nhiều giai thoại và huyền thoại về một vị thiền sư danh tiếng của nước Nam: Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, Ngài chính là người đã đặt nền móng, xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật ở nơi đây.

Chùa Bái Đính được ghi nhận với nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam như: Ngôi chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, ngôi chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam đồng thời có hành lang La Hán dài nhất châu Á, ngôi chùa có tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Chùa Bái Đính là một trong những điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách mỗi dịp đầu xuân. Nơi đây luôn chào đón hàng vạn du khách đến tham quan và chiêm bái mỗi năm.

Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm. Đây là nơi được đánh giá có cảnh đẹp bậc nhất Việt Nam. Bạn có thể đến đây và đi thuyền khám phá tất cả những gì nơi đây được thiên nhiên ban tặng. Tràng An được ví như một bức tranh được vẽ ra, mà không hề có thực.

Đến với Bái Đính – Tràng An Ninh Bình vào những ngày đầu xuân, du khách sẽ được ngắm khung cảnh nhộn nhịp, có cơ hội tham gia vào các lễ hội truyền thống tại vùng đất này.

Đỉnh thiêng Yên Tử – Quảng Ninh

Chùa Yên Tử ở Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 134km đi chừng 2h30p. Chùa Yên Tử nằm trên ngọn núi Yên Tử, độ cao 1.068 m, dưới thời vua Trần Nhân Tông, khoảng thế kỷ XIII, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo của Việt Nam, do vua Trần Nhân Tông sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên, với pháp danh là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.

Đỉnh thiêng Yên Tử xưa nay vẫn luôn nổi tiếng là một trong những khu du lịch tâm linh đẹp và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây không chỉ sở hữu quần thể chùa chiền rộng lớn, linh thiêng. Mà còn khiến du khách phải mê đắm bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Chính vì vậy, tọa độ này thu hút hàng nghìn du khách thập phương tìm về mỗi năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán.

Mặc dù có thể tham quan Yên Tử bất cứ lúc nào trong năm, thế nhưng khoảng thời gian lý tưởng nhất để khám phá nơi đây là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là lúc tại Yên Tử diễn ra những lễ hội cực kỳ đặc sắc, thu hút hàng vạn du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về tham quan, lễ bái.

Lễ hội Bà Chúa Kho – Bắc Ninh

Đền Bà Chúa Kho ở núi Kho đường Bà Chúa Kho, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 42km đi chừng 1h. Đền Bà Chúa Kho là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được tất cả người dân trong nước cũng như quốc tế biết đến. Là nơi thờ một vị Thánh nhân có công lớn cho đất nước từ thời phong kiến nhà Lý – Linh Từ Quốc Chế – một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng nương. Bà cũng là người giúp vua Lý tổ chức sản xuất, tích trữ và trông nom kho lương thực tại núi Kho.

Hàng năm, vào ngày 12/1 âm lịch, được ghi lại trong lịch sổ sách là ngày mất của Bà Chúa Kho và lễ hội Đền Bà Chúa Kho cũng được tổ chức vào ngày này, coi như là hình thức cúng giỗ cho Bà. Ngày nay, toàn bộ Ban Quản lý Đền Bà Chúa Kho cùng người dân cả nước đổ về đây cùng nhau tổ chức một ngày hội đúng nghĩa.

Lễ hội Đền Bà Chúa Kho được tổ chức trong không khí nghiêm trang và luôn giữ được những giá trị văn hóa vốn có của nó. Những người làm nghề buôn bán thường chuẩn bị những mâm lễ lớn để dâng lên Bà Chúa Kho, để xin một năm mới ăn nên làm ra, phát tài phát lộc. Không ít trong số đó còn chuẩn bị những sớ, lễ cầu kỳ để làm nghi thức “vay vốn” Bà Chúa Kho. Thường thì mọi người hay đi du xuân đầu năm và tiện thể đi lễ luôn nên cả tháng Giêng sẽ rất đông đúc.

Đền Trần – Nam Định

Tọa lạc trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định cách Hà Nội khoảng 88km đi chừng 1h30p. Đền Trần là ngôi Đền thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Nơi đây nổi tiếng với Lễ dâng hương khai ấn Đền Trần đầu xuân, năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn trong ngày Rằm tháng Giêng. Nhiều người tin rằng, có Ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp.

Tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng Giêng. Vì vậy, hàng vạn, hàng triệu người từ khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được Ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm, người dân phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu.

Theo đó, lễ hội đền Trần sẽ được bắt đầu từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá, múa lân, biểu diễn võ thuật…

Chùa Tam Chúc

Chùa Tam Chúc – Hà Nam nằm ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách thành phố Hà Nội khoảng 70km, cách chùa Bái Đính (Ninh Bình) khoảng 30km, cách chùa Hương (Hà Nội) khoảng 4,5km, được xem như là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại, nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thơ mộng, trữ tình. Chùa Tam Chúc là một trong những điểm du xuân đầu năm được yêu thích nhất trong thời gian gần đây.

Được ví như là “vịnh Hạ Long” trên cạn, quần thể khu du lịch Tam Chúc trở thành điểm đến được rất nhiều người quan tâm. Quần thể chùa Tam Chúc được khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 5/2019, và hiện tại vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Dự kiến sau khi ngôi chùa này hoàn thành sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới.

Những ngày đầu xuân, hàng vạn du khách đã về vãn cảnh, tham quan kết hợp đi lễ đầu năm tại ngôi chùa lớn nhất thế giới này. Cảnh quan ở khu du lịch Tam Chúc rất độc đáo, đa dạng mà không phải nơi nào cũng có được. Từ chính điện chùa nhìn ra là hồ nước bao la bát ngát. Trong lòng hồ có sáu quả núi như những chiếc chuông và bảy ngọn núi cao tương ứng với bảy vì sao sáng. Chắc chắn, khi hoàn thiện chùa Tam Chúc sẽ thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan và đi lễ đầu năm.

Thung Nai – Hòa Bình

Nếu bạn yêu thích sự yên bình của hồ nước và muốn tận hưởng không gian thơ mộng, Thung Nai chính là điểm đến không thể bỏ qua. Thung Nai là một xã thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, nơi nổi tiếng với những trái cam thơm ngon ngọt lịm. Thung Nai cách Hà Nội khoảng hơn 100 km và cách thành phố Hoà Bình khoảng 15 km. Nơi đây không chỉ có bầu không khí vô cùng trong lành từ thiên nhiên mà còn có một địa điểm du lịch tâm linh mà rất nhiều du khách thường xuyên ghé đến để tham quan. Đó chính là động Thác Bờ và chùa Thác Bờ, một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất ở khu vực Hoà Bình.

Mỗi dịp đầu năm Tết đến, Xuân về, địa điểm Thung Nai nói chung cũng như địa điểm du lịch chùa – động Thác Bờ nói riêng, khách du lịch lại kéo về đông đúc không chỉ đối với người dân địa phương tỉnh thành Hoà Bình mà còn có rất nhiều du khách đến từ khắp mọi miền trên đất nước đều về đây để thờ cúng cũng như chiêm bái tại ngôi chùa này.

Côn Sơn – Kiếp Bạc

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn – Kiếp Bạc thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách thành phố Hà Nội chừng hơn 70km, di chuyển khoảng 1h30p. Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là trung tâm văn hóa, tôn giáo – tín ngưỡng lớn ở khu vực đông bắc châu thổ Bắc Bộ. Trải qua trên 700 năm lịch sử, tại khu di tích này, các lễ hội truyền thống gắn với khu di tích vẫn được duy trì, có sức thu hút đặt biệt, trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng.

Hằng năm, hội Côn Sơn (gắn với Trúc Lâm đệ tam Tổ – Huyền Quang) được bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Giêng… Lễ hội đền Kiếp Bạc (gắn với ngày giỗ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) được tổ chức từ ngày 16 tháng 8 và kết thúc vào ngày 20 tháng 8 (Âm lịch) hằng năm… Ngoài ra, trong khu vực di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật của nhiều thời kỳ lịch sử, có giá trị độc đáo. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn – Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 10/5/2012.

Hãy lựa chọn một vài điểm đến yêu thích từ danh sách trên và bắt đầu hành trình du Xuân của mình, để mỗi khoảnh khắc đầu năm mới thêm phần rộn ràng và đáng nhớ.

Kim Quyên

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích