Thương hiệu TP Bank và chiến lược phát triển

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là một trong những ngân hàng “trẻ” nhất trong hệ thống là trường hợp điển hình cho một nhà băng “nhỏ nhưng có võ”. Nhìn vào vị thế hiện nay của TPBank, ít ai còn nhớ rằng ngân hàng TPBank từng trải qua giai đoạn rất khó khăn khi rơi vào 9 tổ chức tín dụng yếu kém năm 2011 (SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank). Trong khi, hầu hết các ngân hàng chọn sáp nhập, hợp nhất thì Tienphongbank (tên gọi của TPBank ngày đó) đã tiến hành tự tái cấu trúc và trở thành trường hợp điển hình cho việc tự tái cơ cấu thành công xuất sắc nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

TPBANK- DNTH
Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank).

Gian nan tìm “chỗ đứng”

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) được thành lập từ ngày 5/5/2008, có trụ sở chính hiện nay tại Toà nhà TPBank, số 5 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Với tên gọi đầy đủ là Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong nhưng đại đa số người tiêu dùng biết đến với tên gọi vắn tắt cùng với logo màu tím rất đặc trưng, đó chính là TPBank.

Ngoài logo, thì câu slogan “Vì chúng tôi hiểu bạn”, TPBank mong muốn lấy nền tảng của “sự thấu hiểu” khách hàng để xây dựng phong cách chất lượng dịch vụ ngân hàng đầu tiên. Hiểu để chia sẻ, hiểu để cùng đồng hành với khách hàng, để sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất và phù hợp nhất đem lại những giá trị gia tăng cao nhất cho khách hàng. Đó cũng là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững mà TPBank hướng đến. 

DOJI, FPT, IFC, Vinare và SBI
TPBank thừa hưởng sức mạnh về công nghệ thông tin, viễn thông và tài chính từ 05 tổ chức sáng lập là DOJI, FPT, IFC, Vinare và SBI.

Dù là một ngân hàng khá non trẻ nhưng nhiều người vẫn tin tưởng rằng, TPBank sẽ tìm được chỗ đứng của mình trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam khi thừa hưởng sức mạnh về công nghệ thông tin, viễn thông và tài chính từ 05 tổ chức sáng lập là Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Công ty cổ phần FPT, Công ty Tài chính quốc tế (IFC), Tổng công ty Tái bảo hiểm Việt Nam (Vinare) và SBI Ven Holding Pte. Ltd.,Singapore.

Lúc bấy giờ, Công ty cổ phần FPT được xem là nhà sáng lập chính với 15% vốn sở hữu (tương đương 150 triệu cổ phiếu). Thời điểm đó, chỉ cần nhìn logo của TPBank cũng có thể biết tầm ảnh hưởng của FPT tới ngân hàng này lớn như thế nào. Trong số 7 thành viên HĐQT thì có 2 thành viên đến từ FPT là ông Lê Quang Tiến giữ chức Chủ tịch HĐQT TPBank và ông Trương Gia Bình là thành viên HĐQT.

Sau 4 năm đi vào hoạt động, TPBank đã rơi vào tình trạng yếu kém, thu nhập lãi thuần giảm dần theo hàng năm. Thậm chí, tới năm 2011 thu nhập lãi thuần của TPBank còn âm qua các quý. Cụ thể, quý III/2010, thu nhập lãi thuần của TPBank vẫn ở mức dương 105 tỷ đồng, nhưng chỉ bước sang quý I/2011, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã tụt dốc xuống âm 24,4 tỷ đồng; tồi tệ hơn tới quý II/2011, thu nhập lãi thuần của ngân hàng âm tới 75,5 tỷ đồng; quý III/2011, cũng âm hơn 50,6 tỷ đồng. Ngay sau đó, TPBank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xét vào diện ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu với mức lỗ tương đương 1/2 vốn điều lệ, nợ xấu lên trên 6%.

A1 - BCTC các quý 1
Sau 4 năm đi vào hoạt động, TPBank đã rơi vào tình trạng yếu kém, thu nhập lãi thuần giảm dần theo hàng năm (Nguồn: TPBank)

Bí mật cuộc tái cơ cấu lịch sử tại TPBank

Nhận thấy cơ hội đầu tư đầy tiềm năng của TPBank, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đứng đầu là ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT DOJI, cùng với những cá nhân khác đến từ DOJI đã nhanh chóng tham gia hoạt động tái cơ cấu ở TPBank.

Theo tìm hiểu, nhóm cổ đông đến từ DOJI đứng đầu là ông Đỗ Minh Phú đã mua lại 20% cổ phần của TPBank và nghiễm nhiên trở thành nhóm cổ đông chiến lược của ngân hàng. Các thành viên sáng lập vẫn giữ nguyên tỷ lệ cổ phần nắm giữ với FPT là 16,9%; Vinare là 10%; MobiFone là 4,76% và SBI VEN Holdings nắm giữ 4,9%.

Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2012, cũng là thời điểm chấm dứt quyền lực của FPT tại TPBank khi ông Đỗ Minh Phú trở thành Chủ tịch HĐQT của TPBank và ông Đỗ Anh Tú (em trai ông Phú) là Phó Chủ tịch HĐQT. Từ đây, ông bắt tay vào thay đổi lại bộ máy, ban điều hành và bắt tay tái cơ cấu lại toàn bộ ngân hàng này.

Minh Phú - Anh Tú
Ông Đỗ Minh Phú (bên trái) và em trai Đỗ Anh Tú lần lượt giữ chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tienphong Bank.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2012 của TPBank, sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ lên 5.550 tỷ đồng, thì số cổ phần FPT nắm giữ chỉ còn khoảng 9,1% (tương đương khoảng 506 tỷ đồng) vào thời điểm đó. Tuy FPT đã không còn là cổ đông chiến lược của TPBank nữa nhưng phải đến cuối năm 2013, người ta mới không còn nhìn thấy FPT trong hệ thống nhận diện thương hiệu của TPBank.

Đến quý I/2016, FPT chỉ còn nắm giữ 9,1% vốn chủ sở hữu tại TPBank, và hầu như không có bất kỳ tác động gì tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Dù đã không còn quá thiết tha với lĩnh vực ngân hàng nữa nhưng FPT vẫn không có ý định sẽ thoái vốn khỏi TPBank.

Đến giữa năm 2018, ông Phú phải phải rời ghế chủ tịch một loạt doanh nghiệp, trong đó có vị trí Chủ tịch Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, để giữ vị trí cao nhất tại TPBank theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng.

Tính tới ngày 9/6/2023, cổ đông lớn duy nhất tại TPBank là CTCP Vàng bạc đá quý DOJI (5,93%). Đây là doanh nghiệp của nhà ông Đỗ Minh Phú. Cá nhân ông Phú không nắm giữ cổ phần nào của TPBank.

Trong khi đó, tại thời điểm 31/12/2022, con trai của ông Phú là Đỗ Minh Đức nắm giữ 1,11% cổ phần TPBank (tương đương gần 17,6 triệu cổ phần). Con gái Đỗ Vũ Phương Anh cũng nắm giữ 1,11%. Con rể nắm giữ 29.000 cổ phần.

Em trai ông Phú là Đỗ Anh Tú nắm giữ 3,71% cổ phần TPBank (hơn 58,64 triệu cổ phần). Con gái ông Tú – Đỗ Quỳnh Anh nắm 3,07%; con trai Đỗ Minh Quân nắm 3,34%. Vợ ông Tú là Trung Thị Lâm Ngọc nắm hơn 1,4 triệu cổ phần TPBank.

Như vậy, tổng cộng gia đình ông Phú và em trai nắm giữ khoảng hơn 18% cổ phần Ngân hàng TPBank.

Cổ đông
Tổng cộng gia đình ông Phú và em trai nắm giữ khoảng hơn 18% cổ phần Ngân hàng TPBank.

Một cổ đông kín tiếng khác tại TPBank và là một nhân vật cũng rất quan trọng tại ngân hàng này là ông Lê Quang Tiến. Ông Tiến là Phó Chủ tịch HĐQT và là người được ủy quyền công bố thông tin. Ông Lê Quang Tiến có tổ chức liên quan là Công ty TNHH Đầu tư FPT (nơi ông làm Chủ tịch kiêm TGĐ). Tới cuối năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư FPT không có cổ phần tại TPBank.

Bên cạnh đó, cổ đông tổ chức SBI VEN Holdings PTE. Ltd. (Singapore) nắm giữ 4,51% cổ phần TPBank. Đây chính là tổ chức có liên quan tới thành viên HĐQT Shuzo Shikata. FPT Capital cũng là tổ chức liên quan tới Shuzo Shikata.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (thành viên BKS) có mặt tại 4 tổ chức liên quan có cổ phần tại TPBank, gồm: Công ty TNHH VG (nơi bà Nguyệt là Chủ tịch, VG nắm 3,84% cổ phần TPBank); Công ty TNHH JB (bà Nguyệt làm Chủ tịch và tổ chức này nắm 4,08% cổ phần TPBank); Công ty TNHH FD (bà Nguyệt là Chủ tịch, tổ chức này nắm 3,49% cổ phần TPBank); VinaCapital (bà Nguyệt là Tổng giám đốc và tổ chức này nắm 0,05% cổ phần TPBank – tính tới cuối 2022).

Cũng liên quan đến vấn đề trên, vừa qua, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư FPT (FPT Capital) đã bán toàn bộ 783.322 cổ phiếu TPB (tương đương 0,049% vốn điều lệ) của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) của ông Đỗ Minh Phú.  Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh trong khoảng thời gian từ 30/1/2023 đến 28/2/2023. Sau giao dịch, FPT Capital không còn nắm giữ cổ phần tại TPBank.

Tại TPBank có 2 người có liên quan tới tổ chức thực hiện giao dịch FPT Capital là ông Shuzo Shikata – thành viên HĐQT FPT Capital và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Tổng Giám đốc FPT Capital. Được biết, ông Shuzo Shikata hiện là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt là thành viên Ban kiểm soát TPBank.

A1 - CP
Kết quả giao dịch cổ phiếu của FPT Capital là ông Shuzo Shikata và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt.

Trên thực tế, FPT Capital mới mua vào cổ phiếu TPBank trong năm 2022. Cụ thể, FPT Capital đã mua 1 triệu cổ phiếu TPB và bán ra 216.678 cổ phiếu của ngân hàng này. Chốt năm 2022, FPT Capital còn nắm giữ 783.322 triệu cổ phiếu TPB. Đây cũng chính là toàn bộ số cổ phiếu TPB mà FPT Capital đã bán ra trong khoảng thời gian từ 30/1/2023 đến 28/2/2023.

Mặc dù là người có liên quan tới FPT Capital và tổ chức này mới xuất hiện ở TPBank từ năm 2022 nhưng ông Shuzo Shikata đã là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank từ tháng 4/2018. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng là thành viên Ban kiểm soát TPBank từ tháng 4/2018. Cả ông Shuzo Shikata và bà Thu Nguyệt đều không nắm giữ cổ phần nào của TPBank.

Như vậy, có thể thấy, ông Shuzo Shikata và bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt là người của FPT Capital không phải do quỹ này mua vào cổ phiếu TPB trong năm 2022.

Chủ tịch TPBank và chiến lược phát triển…

Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI là công ty do ông Đỗ Minh Phú thành lập và là Chủ tịch HĐQT giai đoạn 1994 – 2018. Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2019, Chủ tịch HĐQT của ngân hàng không được phép làm Chủ tịch HĐQT ở một tổ chức kinh tế khác. Do vậy, ông Đỗ Minh Phú đã lựa chọn làm Chủ tịch HĐQT tại TPBank, vị trí ông đảm nhiệm từ năm 2012 đến nay, đồng thời rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của DOJI kể từ năm 2019.

Tuy nhiên, sau khi rời ghế Chủ tịch HĐQT DOJI theo cách “kỹ thuật”, ông Phú đảm nhiệm vai trò Chủ tịch “Hội đồng sáng lập” tại tập đoàn này.

Theo cafebiz.vn, ông Đỗ Minh Phú được cử đi học ở Liên Xô nhưng vì nhầm lẫn, giấy gọi nhập học thiếu tên Đỗ Minh Phú. Để bù đắp sau sai sót này, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu viết giấy cho phép chọn bất cứ khoa nào của Đại học Bách Khoa và ông chọn nơi cao điểm nhất – ngành vô tuyến điện tử ở ĐH Bách Khoa.

Còn theo giới thiệu của TPBank, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú là cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Vô tuyến Điện tử. Ông Phú hiện đảm nhiệm vai trò Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore; Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam; Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Mỹ và Ủy viên BCH Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – VCCI.

Đỗ Minh Phú -TPBank
 Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong.

Với những thành tích và đóng góp xuất sắc cho nền kinh tế và xã hội, ông Đỗ Minh Phú đã vinh dự được các tổ chức quốc tế cũng như Lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, Chính phủ trao tặng các danh hiệu cao quý: Danh hiệu Giáo sư Danh dự của Liên đoàn Hàn lâm Oxford, Vương quốc Anh (2021), Doanh nhân xuất sắc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (2019), Huân chương Lao động hạng Nhì (2019), Huân chương Lao động hạng Ba (2014 và 2012), bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì “Đã có thành tích trong công tác đầu tư sản xuất góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” (2016), bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” (2013), và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Ông Đỗ Anh Tú (em trai của ông Phú) có học vị Phó Tiến sỹ (PTS) tại Đại học Praha, Cộng hòa Séc là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Trước khi gia nhập TPBank, ông Tú được biết đến là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Diana Unicharm. Hiện, ông Đỗ Anh Tú giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Công ty cổ phần Diana Unicharm, đồng thời vị trí Tổng Giám đốc được chuyển giao cho ông Masanori Murakami – Phó Tổng Giám đốc Diana Unicharm đương nhiệm vào tháng 4/2021.

Ông Tú được biết đến là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị thương hiệu và marketing. Ông từng được nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2013 cho những thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”. Ông Tú đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hòa Séc.

Còn ông Lê Quang Tiến là một trong những sáng lập viên và là Chủ tịch HĐQT đầu tiên của TPBank. Hiện ông Tiến đồng thời là thành viên Hội đồng sáng lập FPT.

Đến nay, TPBank không chỉ “hồng da thắm thịt” trở lại, mà còn có được “thế cờ” vững chắc của mình trên thị trường.

Từ số vốn ban đầu hạn chế, TPBank đã không ngừng phát triển mạnh mẽ với những thành tích kinh doanh xuất sắc và nhiều lần được khẳng định là một tổ chức tài chính uy tín với nhiều giải thưởng uy tín được trao bởi các tổ chức trong nước và quốc tế. Sau 15 năm hoạt động, đến nay, tổng tài sản của TPBank cán mốc gần 329 nghìn tỷ đồng và được The Asian Banker bất ngờ xếp hạng ở vị trí hàng đầu với tổng điểm 3.31 và sở hữu 5 tiêu chí đạt điểm tối đa, bao gồm: Tiền gửi, Lợi nhuận trên tài sản, Tỉ lệ chi phí trên doanh thu, Dự phòng rủi ro cho vay đối với tổng nợ xấu, Thanh khoản trong năm 2022.

Từ khi thành lập đến nay, TPBank đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế của mình trên thị trường tài chính nói chung hay mảng vay tiêu dùng, khi ồ ạt các tổ chức tài chính đều mở rộng các sản phẩm vay không cần tài sản đảm bảo này.

Còn nữa…

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích