Thừa Thiên – Huế: Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc đội vốn 100 tỷ đồng khi nào hoàn thành?

(Xây dựng) – Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) triển khai kéo dài. Mới đây, HĐND tỉnh đã điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lên hơn 777 tỷ đồng, tăng hơn 105 tỷ đồng.

Thừa Thiên – Huế: Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc đội vốn 100 tỷ đồng khi nào hoàn thành?
Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc sẽ hoàn thành, thông tuyến, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024.

Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc (huyện Phong Điền) có chiều dài hơn 16km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại thị trấn Phong Điền và điểm cuối tại bãi biển xã Điền Lộc. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2011, dự kiến sẽ hoàn thành trong khoảng 3 năm, bằng nguồn vốn Trung ương. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ có Nghị quyết siết chặt đầu tư công, dự án này nằm trong diện phải tạm dừng thi công do thiếu vốn. Năm 2022, dự án tiếp tục được bố trí vốn trong Chương trình đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, với tổng mức đầu tư gần 672 tỷ đồng để tiếp tục thi công.

Dự án đến nay đã thi công hoàn thành đoạn tuyến Km1+500 – Km9+800, cầu Thiềm, cầu Bàu Bàng. Dự án cũng đã hoàn thành hai cầu vượt phá và phần nền đường, mặt đường bê tông xi măng rộng 7,5m đoạn từ Km9+800 – Km10+890.

Mới dây, HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có Nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc, với tổng mức đầu tư hơn 777 tỷ đồng (tăng hơn 105 tỷ đồng). Trong đó, tổng mức đầu tư của phần đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền – Điền Lộc hơn 754 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư tiểu Dự án xây dựng các khu tái định cư và đường vào nghĩa trang xã Điền Lộc hơn 23 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2024.

Quy mô đầu tư điều chỉnh, đoạn từ Km0 – Km1+500, bổ sung trồng cây xanh ở dải phân cách giữa và ở hố trồng cây hai bên lề đường. Đoạn từ Km12+937 – Km16+252, điều chỉnh phần mặt đường bê tông xi măng từ 7,5m thành 15,0m (nền đường 26,0m giữ nguyên).

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc phức tạp nhất là cầu vượt đường sắt Bắc – Nam nằm ở đầu tuyến, thuộc địa bàn thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền). Từ đầu năm, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án đơn nguyên cầu vượt đường sắt bên phải và dự kiến cho lưu thông vào cuối tháng 5. Sau đó, nhà thầu tiếp tục thi công phía cầu vượt đường sắt bên trái tuyến đường Tỉnh lộ 9 và xin phép xóa gác chắn đường sắt để thi công có 2 trụ cầu nằm ngay rào chắn đường sắt. Công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

Trên tuyến Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc con lại đoạn cầu vượt đường sắt Bắc – Nam dài khoảng gần 1km và đoạn tuyến từ Quốc lộ 49A từ xã Điền Lộc đến gần biển Điền Lộc dài khoảng 3,5km đường đơn vị đang tiếp tục thi công phần hoàn thiện đắp nền cấp phối, sau đó sẽ đúc bê tông xi măng mặt đường vào tháng 7 để thông tuyến theo kế hoạch.

Thừa Thiên – Huế: Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc đội vốn 100 tỷ đồng khi nào hoàn thành?
Dự kiến cuối tháng 5, cầu vượt đường sắt thuộc Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc sẽ được thống tuyến bên phải.

Đến nay, Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc đã thi công được khoảng 70% khối lượng công việc, dự kiến, toàn bộ công trình đường Dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc sẽ hoàn thành, thông tuyến, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024.

Kiểm tra thực địa dự án đường cứu hộ, cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc (huyện Phong Điền) mới đây, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Trường Lưu cho rằng: Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng đây là thời điểm thuận lợi để chủ đầu tư và đơn vị thi công tranh thủ triển khai các phương án để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa toàn tuyến đi vào hoạt động.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đã lưu ý với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Phong Điền cùng phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung tháo gỡ những khó khăn hiện nay, nhấn mạnh đây là tuyến đường quan trọng không chỉ cho việc đi lại thuần túy, mà còn sử dụng trong việc cứu hộ, cứu nạn; tạo bộ mặt đô thị cho vùng nông thôn của huyện Phong Điền, nhất là khu vực Ngũ Điền.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích