Thu hồi hơn 75.075 tỷ đồng thất thoát từ các vụ án tham nhũng, kinh tế

Nhiều kết quả nổi bật

Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành.

Báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, thi hành án, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Thu hồi hơn 75.075 tỷ đồng thất thoát từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị

Cùng đó, chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra.

Qua đó, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có một số lĩnh vực công tác có kết quả nổi bật.

Cụ thể như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các Bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế – xã hội được tăng cường. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả…

Trong đó, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế các bộ, ngành và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Công tác kiểm tra VBQPPL cũng được các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; kết luận kiểm tra đảm bảo khách quan, chính xác. qua kiểm tra, bước đầu phát hiện, kiến nghị một số văn bản trái nội dung, thẩm quyền. Cụ thể, các Bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền 2344 VBQPPL, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 2.043 văn bản…

Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế, trong các tranh chấp đầu tư quốc tế; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Đồng thời, tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước, thỏa thuận, cam kết quốc tế để bảo đảm các yếu tố pháp lý; tham dự các Phiên họp, Phiên đàm phán quốc tế; tiếp tục tham mưu thực hiện quyền, nghĩa vụ theo cam kết mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện toàn diện, bám sát yêu cầu thực tiễn.

Trong 6 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 209.508 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 18.789.464 triệu lượt người; tổ chức 3.308 cuộc thi cho 3.164.872 triệu lượt người dự thi; phát hơn 18 triệu tài liệu tuyên truyền, PBGDPL Qua tổng hợp báo cáo của địa phương, đến nay có 10.086/10.596 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 95,2%)…

Triển khai đồng bộ các giải pháp thi hành án dân sự

Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Hệ thống thi hành án dân sự thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện các Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội, Chính phủ giao.

Thu hồi hơn 75.075 tỷ đồng thất thoát từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội

Các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng tiếp tục được lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

Kết quả thi hành án dân sự 9 tháng (từ ngày 1/10/2022 đến 30/6/2023) đạt kết quả quan trọng. Cụ thể về việc: Tổng số phải thi hành là 775.101 việc (tăng 19,62% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, số có điều kiện thi hành là 574.289 việc, đã thi hành xong là 382.058 việc, đạt tỉ lệ 66,53% (tăng 2,18%).

Về tiền: Tổng số phải thi hành là trên 374.627 tỉ đồng (tăng 19,08% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, số có điều kiện thi hành là hơn 216.558 tỉ đồng; đã thi hành xong trên 70.278 tỉ đồng (tăng 34,72% so với cùng kỳ năm 2022), đạt tỉ lệ 32,45% (tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2022).

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: Tổng số tiền phải thi hành án là hơn 152.085 tỷ đồng, số đã thi hành xong là hơn 75.075 tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn 77.009 tỷ đồng.

Về theo dõi thi hành án hành chính, trong 6 tháng đầu năm, Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan Thi hành án hành dân sự 1.867 bản án hành chính, các cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện theo dõi 897 việc, đã thi hành xong 216 việc (tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022); đang tiếp tục thi hành 681 việc…

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng đánh giá, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; vẫn còn tình trạng điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm; còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích