Thế giới hụt khoảng 7 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho Việt Nam

1
Lúa gạo Việt Nam sẽ có “cửa” lớn để xuất khẩu. Ảnh Công Hân

Giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu sẽ tăng

Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn thông tin từ Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 vào khoảng 4,1 triệu tấn, cao hơn con số 3,65 triệu tấn cả năm 2023. Bên cạnh đó, Tổng thống Philippines đã chấp thuận gia hạn thời gian giảm thuế đối với gạo và các mặt hàng thực phẩm khác cho đến cuối năm 2024 nhằm đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lo ngại về điều kiện thời tiết khô hạn do El Nino gây ra. Như vậy, thuế suất đối với gạo nhập khẩu sẽ vẫn ở mức 35%.

Với thị trường Indonesia, Chính phủ nước này dự kiến nhập khẩu gạo năm 2024 khoảng 3,6 triệu tấn, tăng thêm 1,6 triệu tấn so với dự kiến ban đầu xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.

Dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, châu Phi và khu vực Trung Đông cũng được dự báo tăng nhập khẩu trong năm nay.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, so với tổng quan năm 2023, hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu tiên của năm 2024 đã có dấu hiệu khá khả quan. Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam phải đối mặt một số thách thức như: Tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 4-5/2024 có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo vụ Hè – Thu năm 2024. Cùng với đó, tình hình kinh tế, thương mại thế giới còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2024.

Vì vậy, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần quan sát, đánh giá nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ và EU do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô chưa ổn định hoàn toàn. Đồng thời, quan sát và tận dụng tốt cơ hội ở một số quốc gia, khu vực khác ở châu Á, châu Phi; có kế hoạch phù hợp để đáp ứng trường hợp nhu cầu tiêu dùng gia tăng trở lại, dự kiến phục hồi rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2024.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho hay, trong mỗi giai đoạn nhất định, giá gạo xuất khẩu sẽ có sự điều chỉnh lên xuống. Tuy nhiên, dự báo, tới đây, giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu sẽ lên lại, nguyên nhân do thu hoạch vụ Đông Xuân đã kết thúc.

Tại hội nghị ngành lúa gạo mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam thừa nhận 2 vướng mắc kéo dài trong chuỗi lúa gạo là người sản xuất không biết bán ở đâu, còn doanh nghiệp rất muốn mua lúa nhưng chưa xác định được thời điểm ký hợp đồng phù hợp, cũng như địa điểm tìm nguồn nguyên liệu, phải thu mua qua khâu trung gian làm gia tăng chi phí.

“Chúng tôi đã gửi thông tin đến Bộ Công Thương và các địa phương về sản lượng lúa từng mùa vụ. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thông tin chặt chẽ. Doanh nghiệp khi ký hợp đồng không biết sản lượng thế nào”, Thứ trưởng chỉ rõ.

Cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam

2
Gạo Việt Nam tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới.

Nhận diện tình hình thương mại gạo toàn cầu năm 2024, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường này đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước…), ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia. Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất-chiếm 40% thị trường toàn cầu. Vì vậy, quốc gia này chỉ cần có bất kỳ động thái nào đều tác động trực tiếp ngay tới giá lúa gạo. Năm 2024, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Lượng tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, so với tổng quan năm 2023, hoạt động xuất khẩu trong những tháng đầu tiên của năm 2024 đã có dấu hiệu khá khả quan. Bối cảnh kinh tế thế giới dần có yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hiện Việt Nam tiếp tục tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu (Indonesia, Malaysia) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, các yếu tố của biến đổi khí hậu như nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ, thiên tai,… đã tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp trên thế giới; làm giảm nguồn cung nhiều mặt hàng, trong đó có gạo, nâng giá các mặt hàng này trên thị trường thế giới, đồng thời tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận và trở thành nhà cung cấp thay thế tại nhiều thị trường.

Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, năm 2023, xuất khẩu gạo tại Long An đạt 920.000 tấn, tăng 63% về giá trị. Long An đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, xuất khẩu gạo thơm, gạo trắng, gạo nếp sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh Long An mong muốn trong năm 2024, cơ quan của Bộ và các cơ quan thương vụ hỗ trợ địa phương kết nối, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Huân, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang đề xuất Bộ Công Thương thiết lập kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước. Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp để chủ động về giá trong đàm phán xuất khẩu ở từng thời điểm và cả hợp đồng tương lai.

Về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích