Thành phố Hồ Chí Minh: Tiêm toàn bộ vắc xin Pfizer và Moderna đã được cấp phát, trước ngày 8/8

Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam vừa ký văn bản khẩn gửi đến Ủy ban nhân dân, trung tâm y tế, phòng y tế thành phố Thủ Đức và các quận huyện; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, công lập và ngoài công lập về việc khẩn trương tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer và Moderna.

Theo đó, để đảm bảo sử dụng hiệu quả và chất lượng số vắc xin Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm toàn bộ vắc xin của Pfizer và Moderna đã được cấp phát cho đơn vị trước ngày 8/8.

Cụ thể, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 về tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 đợt 5 tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố đã phân bổ vắc xin Covid-19 của Pfizer và Moderna đến các đơn vị để tiêm cho các nhóm đối tượng theo quy định.

Căn cứ quyết định của Bộ Y tế về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19 BNTI62b2 (Cominaty) đợt 8 và vắc xin Covid-19 Spikevax (vắc xin Moderna) đợt 11 thì vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 độ C, sử dụng hết trong vòng tối đa 30 ngày.

Thành phố Hồ Chí Minh: Tiêm toàn bộ vắc xin Pfizer và Moderna đã được cấp phát, trước ngày 8/8
Người dân phường An Phú Đông, Quận 12 ngồi chờ tiêm vắc xin Covid-19.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương rà soát ngay kế hoạch tổ chức tiêm 2 loại vắc xin Covid-19 này của các đơn vị, để kịp thời điều phối cho các đơn vị khác, đảm bảo sử dụng hết số vắc xin được cấp.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, tính từ 18h30 ngày 4/8 đến 6h ngày 5/8, Thành phố ghi nhận thêm 2.349 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 5/8.

Trước bối cảnh các F1, F0 được cách ly theo dõi tại nhà cần hỗ trợ chăm sóc bệnh, Thành phố đã thành lập kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thông qua tổng đài miễn phí 1022 từ ngày 23/7. Khi bệnh nhân gọi đến tổng đài, bấm phím 3 sẽ được hướng dẫn cách xử trí các tình huống phát sinh trong quá trình theo dõi bệnh, hỗ trợ các trường hợp chuyển nặng, tư vấn tự chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, tập luyện, các loại thuốc cơ bản cần chuẩn bị và cách sử dụng,…

Tình hình dịch bệnh tại thành phố đã có những chuyển biến tích cực, trong đó một phần là nhờ vào sự chung tay, đồng hành của người dân, các mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh. “Chiến dịch tiêm chủng đợt 6 của thành phố kéo dài đến hết tháng 8, người dân hãy bình tĩnh và chờ đợi được mời đi tiêm chủng”, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết.

Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cho biết dự kiến sẽ tiếp tục đón 300 người dân ở thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương vào ngày 7/8. Đồng thời tính toán, bố trí phương án sử dụng xe tải để chở xe máy của người dân về. Tuyệt đối không để người dân đi xe máy về Bình Thuận.

Tân Nguyên

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích