Tết nơi xứ người

Những ngày cuối năm, nhiều người ở Việt Nam bắt đầu tính chuyện mua vé xe, vé tàu, sắm sửa quần áo mới… để chuẩn bị về quê đón Tết. Thời điểm này, ai cũng bồi hồi, nôn nao khi sắp được đón thêm một cái Tết mới, sắp được quây quần bên mâm cơm ấm cúng cùng với gia đình, sắp được nhìn lại những gương mặt thân quen nhưng đã lâu chưa gặp…

Thế nhưng, vì cuộc sống mà nhiều người phải tha hương nơi xứ người để lao động. Khác với khi còn ở Việt Nam, những ngày cuối năm, họ vẫn chăm chỉ với công việc của mình và xem những ngày này giống như những ngày bình thường khác, vì họ không có điều kiện ở bên gia đình những ngày Tết như khi còn ở Việt Nam.

Anh Phan Thắng (22 tuổi, quê Quảng Bình) hiện đang làm việc tại Seoul, Hàn Quốc cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Bình nắng gió, gia đình lại không khá giả, chỉ dựa vào mấy sào ruộng, thu hoạch thất thường, có khi mùa mưa bão đến lại mất trắng… Do đó, để cải thiện cuộc sống anh đã lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc.

Tết nơi xứ người
Anh Phan Thắng sang Hàn Quốc làm việc khi chỉ mới 19 tuổi.

Tính đến đến Tết Giáp Thìn, đã 3 lần anh Thắng đón Tết xa quê. Vì sang Hàn Quốc khi chỉ mới 19 tuổi, nên những ngày Tết đến, anh luôn bồi hồi nhớ về cha mẹ và anh chị của mình. Nhưng vì điều kiện không thể về, anh Thắng gạt đi nỗi nhớ nhung, biến đó thành động lực để tiếp tục chăm chỉ làm việc.

“Từ khi sang Hàn Quốc, tôi chưa có cơ hội để về quê. Vì vậy, mỗi khi tới dịp Tết, tôi theo dõi gia đình của mình quây quần bên mâm cơm ngày Tết qua màn hình điện thoại. Lúc đó, ai cũng vui vẻ gửi lời chúc Tết cho tôi, hỏi han sức khoẻ… nhưng tôi biết cha mẹ cũng buồn vì cả gia đình không thể có mặt đầy đủ bên nhau”, anh Thắng nói.

Anh Thắng kể, vừa rồi có gửi về cho gia đình một ít tiền để cha mẹ sửa lại căn nhà cũ, chuẩn bị cho ngày Tết. Nhưng anh cũng lo vì ba mẹ đã tuổi già, sức yếu và đứa em gái mới học lớp 11 thì liệu có đủ sức để sửa sang nhà cửa, chuẩn bị cho những ngày Tết sắp tới hay không. Trước đây, khi còn ở Việt Nam, anh là người lo toan hết mọi việc, từ dọn dẹp, sửa sang nhà cửa đến chặt cây cỏ dại trong vườn nhà. Giờ đây, khi cách xa nhau hàng nghìn ki lô mét, anh chỉ mong cố gắng làm việc, tích góp sau này về bù đắp cho cha mẹ.

Trong khi đó, với chị Yến Nhi (23 tuổi, quê Trà Vinh), đã gần 5 năm chị sang làm việc tại Nhật Bản trong một công ty sản xuất bánh kẹo theo diện thực tập sinh. Với từng đó thời gian, cũng là 5 lần chị chỉ được đón Tết với gia đình qua những cuộc gọi điện video, kèm theo những giọt nước mắt nhớ nhung.

Chị Nhi cho biết, năm ngoái chị đã tính chuyện về quê đón Tết với gia đình, nhưng do tỷ giá đồng Yên Nhật cứ giảm dần đều, giảm đến mức thấp nhất hơn 30 năm qua, khiến cho mọi suy tính của chị bị đảo lộn. Vì vậy, chị Nhi đành lỡ hẹn với gia đình thêm một năm nữa, đợi khi tình hình kinh tế ổn định hơn, chị sẽ xin phép công ty về thăm gia đình vào dịp Tết.

Để vơi đi nỗi nhớ nhà, chị Nhi cùng nhiều người Việt sống gần đó hẹn nhau làm bánh chưng, bánh tét, thịt đông, dưa hành…quây quần nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ – điều tưởng chừng bình thường nhưng lại xa xỉ ở Nhật Bản. Những giây phút này, ai cũng ấm lòng hơn một chút khi họ tưởng tượng những người xung quanh mình đây chính là cha mẹ, anh chị em của mình khi còn sinh sống ở Việt Nam.

Tết nơi xứ người
Chị Yến Nhi xa nhà gần 5 năm để làm việc tại Nhật Bản.

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Trọng Khánh (32 tuổi, quê Hải Phòng) vẫn miệt mài tăng ca trong một nhà máy ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Năm nay, anh đã tính chuyện về quê đón Tết, nhưng vì công ty đang cần tăng ca để hoàn thành các đơn hàng mới, anh đành phải dời lịch về quê sang mùa hè năm sau.

Anh Khánh cho biết, anh làm việc vào ca đêm, từ 8h tối đến 4h sáng hôm sau, còn ban ngày thì dành thời gian để ngủ. Do đó, anh không có nhiều thời gian để gọi điện hỏi thăm gia đình, mà phải chờ đến cuối tuần mới gọi điện hỏi thăm sức khỏe từng người.

Cũng chính vì làm vào ca đêm, nên vào dịp Tết những năm trước, anh Khánh không thể gọi điện thoại cùng đón giao thừa với gia đình mà vẫn phải tiếp tục với công việc của mình. Đợi đến sáng sớm, khi kết thúc ca làm, anh mới nghỉ ngơi lấy điện thoại gọi về chúc Tết người thân ở Việt Nam. Những lúc này, nhìn qua ô cửa sổ trắng xoá màu tuyết, anh lại thèm khát cảm giác được sum vầy với người thân, bạn bè dịp Tết.

Cùng chung nỗi nhớ nhung, anh Đậu Minh Tuấn (29 tuổi, quê An Giang) đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) đã có 4 cái Tết chưa thể về quê. Dù đã dần quen với khung cảnh xa lạ ở xứ người, nhưng cứ vào những ngày Tết, anh vẫn không thể ngăn được nỗi nhớ nhà da diết.

Minh Tuấn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích