Tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch

Trang-Trai-Chimi-Farm-4,-Xa
Ảnh minh hoạ.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Nguyễn Hải Đăng, yếu tố quan trọng nhất của sinh thái phải là giữ được môi trường trong lành, mỗi vườn cây vườn hoa phải được thâm canh theo hướng an toàn, hữu cơ. Trong không gian xanh đó người tham quan được ăn, được ở, được trải nghiệm. Khi đó nguồn thu từ nông nghiệp sinh thái không chỉ là giá trị của nông sản mà nguồn thu chính là từ dịch vụ du lịch đem lại. Và để mô hình du lịch sinh thái phát triển rất cần thiết đầu tư hạ tầng nông thôn. Khi đã được đầu tư tốt về hạ tầng thì bản thân vùng chuyên canh hoa cây cảnh sẽ là một phần bổ trợ rất lớn cho các nhà vườn, các mô hình sinh thái lõi phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn vẫn còn hạn chế.

Là một trong những hộ phát triển mạnh mô hình nông nghiệp sinh thái với đầy đủ cơ sở lưu trú, khu trải nghiệm, ông Mai Văn Tám (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) chia sẻ: “ngoài những khó khăn khác về nguồn vốn đầu tư, hành lang pháp lý xây dựng mô hình thì khó khăn về nhân lực trong việc chuyên biệt hóa du lịch tại địa phương đang là những rào cản lớn để người dân mở rộng mô hình. Bởi hiện nay để biến một người nông dân thuần túy thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp là cả một quá trình, đòi hỏi sự hỗ trợ đào tạo tập huấn trong một thời gian dài gắn với các hoạt động thực tiễn cụ thể”.

Xây dựng những miền quê đáng sống

Để tháo gỡ khó khăn cho các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, theo TS Ngọ Văn Ngôn – Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, các địa phương cần lưu ý phải hoàn thành và tuân thủ quy hoạch nông thôn. Đặc biệt, không để các quy hoạch khác làm phá vỡ không gian sinh thái nông thôn, ảnh hưởng tới những mô hình đã và đang phát triển hiệu quả.

Đồng quan điểm, TS Ngô Kiều Oanh – chuyên gia du lịch cho rằng, để phát triển bền vững, đòi hỏi các làng quê phải phân chia rõ được các không gian cụ thể: không gian dân cư, không gian sinh thái, không gian cộng đồng… các không gian này bảo đảm để du khách đến với mỗi miền quê như là sự trở về nhà, được chào đón, được sống và trải nghiệm trong sự tử tế, thân thiện, mến khách từ chính người nông dân trên miền quê đó.

Chỉ ra hạn chế lớn nhất hiện nay của những mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch là sự thiếu chuyên nghiệp trong các khâu phục vụ khách du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở đang đẩy mạnh công tác hỗ trợ, kết nối công ty lữ hành đưa khách về mô hình du lịch sinh thái ven đô.

Trong năm 2022, Sở Du lịch cũng đẩy mạnh công tác đào tạo tập huấn về xây dựng sản phẩm du lịch cho các mô hình điểm tại các huyện, thị xã dưới dạng “cầm tay chỉ việc” nông dân, cán bộ cơ sở. Gắn đào tạo với tham quan học tập các mô hình điểm. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh truyền thông hỗ trợ các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.

Thông tin về định hướng phát triển, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho hay, giai đoạn 2022 – 2025, thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề… theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch sinh thái dù ở cấp độ nào cũng là những tiền đề quan trọng để xây dựng các miền quê đáng sống. Đối với khu vực ven đô, việc phát triển nông nghiệp ngoài nâng cao đời sống, chất lượng sống cho chính người dân khu vực nông thôn còn có nhiệm vụ quan trọng là “lá phổi xanh” của nội đô.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ theo chu trình khép kín từ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất hữu cơ đến xây dựng, quảng bá mô hình hiệu quả. Với cách hỗ trợ hiệu quả này, TP sẽ có thêm động lực để hình thành nhiều hơn nữa các miền quê đáng sống, giúp người dân ấm no, hạnh phúc từ việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết.

Dưới góc độ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ thông tin, Sở đang lên kế hoạch phối hợp với Sở Du lịch xây dựng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm du lịch nông nghiệp (từ tên gọi đến nội dung hoạt động); đồng thời xây dựng chương trình quảng bá và liên kết với các công ty du lịch, hỗ trợ kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị sản vật cho các nông hộ… đặc biệt, Sở sẽ cùng các địa phương rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động của mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trước khi kiến nghị với thành phố để có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch, bảo đảm hài hòa với các quy hoạch xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất nông nghiệp tập trung đã được phê duyệt.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích