Tạo điều kiện cho công nhân lao động “an cư lập nghiệp”

Thiếu nơi ở ổn định cho công nhân lao động

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét thông qua các dự án luật, trong đó có Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều đại biểu phát biểu thảo luận tại nghị trường bày tỏ ủng hộ đề xuất giao Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Đây là vấn đề đang được đông đảo đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn quan tâm.

Tạo điều kiện cho công nhân lao động “an cư lập nghiệp”
Làm xa nhà, công nhân lao động phải thuê trọ, đa phần họ thuê những căn phòng diện tích nhỏ để tiết kiệm tiền lương (Ảnh: P.Ngân)

Hiện nay nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động là rất lớn, đặc biệt tại thành phố Hà Nội, số lượng người lao động nhập cư đông nhưng không có khả năng tiếp cận nhà ở xã hội. Khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp cho thấy, hầu hết lao động từ các địa phương đến các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội làm việc đều phải thuê những căn phòng trọ diện tích chật chội. Có căn nhà của riêng mình là ước mơ xa vời đối với hầu hết công nhân lao động.

Anh Bùi Thế Sơn, công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, cho biết rất mong đợi được tiếp cận nhà ở xã hội. Hơn 12 năm qua, gia đình anh sống trong căn phòng thuê tại khu nhà cấp 4 ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Do xây dựng đã lâu nên phòng trọ chưa thực sự đảm bảo an toàn, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh khu trọ phụ thuộc vào sự tự giác, người thuê trọ tự bảo ban, nhắc nhở nhau…

“Vợ chồng tôi đều là công nhân, thu nhập hàng tháng nuôi hai con học cũng khá vất vả nên không dám mơ đến mua nhà. Cũng vài lần tôi tìm hiểu về nhà ở xã hội nhưng giá bán so với mức thu nhập của hai vợ chồng là quá cao nên không có khả năng mua. Nếu Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án nhà ở xã hội thì rất tốt, như vậy sẽ sát sao, thuận lợi hơn trong điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân lao động, giúp việc đầu tư đúng trọng tâm, nâng cao hiệu quả, khi đó chúng tôi sẽ có cơ hội dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội. Tôi mong muốn thuê được nơi trọ thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ, có khu vui chơi cho các con chứ chỗ ở hiện tại còn quá nhiều thiếu thốn”, anh Sơn bày tỏ.

Tương tự, anh Văn Đình Vinh, công nhân lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long bộc bạch, rời quê xuống Hà Nội hơn chục năm nhưng với đồng lương công nhân, vợ chồng anh vẫn chưa đủ khả năng mua căn nhà gần nơi làm việc. Dẫu biết nơi anh đang thuê trọ không thực sự đảm bảo an toàn nhưng vì số tiền thuê phù hợp với mức tiền mà gia đình có nên gia đình anh vẫn gắn bó với khu trọ.

“Chúng tôi rất mong Tổng LĐLĐ sẽ làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng nhà ở xã hội, điều này phù hợp với chức năng chăm lo của tổ chức Công đoàn. Khi tổ chức Công đoàn làm chủ đầu tư, công nhân lao động sẽ thấy an tâm, tin tưởng hơn, Công đoàn sẽ khảo sát để xây dựng phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của công nhân. Hiện nay mỗi tháng gia đình tôi phải chi trả 1,5 – 2 triệu đồng/căn phòng rộng 25m2. Xác định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với Thủ đô, chúng tôi rất muốn có một chỗ ở sạch sẽ, đảm bảo an toàn hơn”, anh Vinh chia sẻ.

Khả thi nhưng cần xem xét thấu đáo

Đồng tình với quy định giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Tạo điều kiện cho công nhân lao động “an cư lập nghiệp”
Những căn nhà trọ không đủ tiện nghi, không đảm bảo an toàn, do đó, công nhân mong mỏi sớm có nhà ở xã hội để được thuê, mua (Ảnh: Lương Hằng)

Ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội chia sẻ: “Tôi cho rằng, việc giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án nhà ở xã hội cho công nhân là việc hết sức nhân văn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động. Tổ chức Công đoàn là đơn vị trực tiếp, thường xuyên nắm bắt nhu cầu và điều kiện sống của người lao động. Khi Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia sẽ tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội được thuê, mua nhà ở với giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của công nhân lao động.

Hiện nay nhu cầu nhà ở cho người lao động là vấn đề rất cấp thiết, nhà ở xã hội do Thành phố xây dựng mới chỉ đáp ứng rất ít, trong khi đó người lao động cần an cư để lập nghiệp. Công đoàn có vai trò chăm lo cả về vật chất và tinh thần, trong đó, vấn đề nhà ở có ổn định thì tinh thần của công nhân lao động mới ổn định để yên tâm làm việc. Chính điều này sẽ góp phần giữ chân người lao động là đoàn viên công đoàn, nâng cao tính ổn định, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố”.

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Sơn – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cho hay: “Tôi thấy chủ trương Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án là tốt. Thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội đều là vấn đề cần thiết, cấp thiết đối với người lao động, cách thức tiếp cận như thế nào vẫn đang là bài toán khó khăn. Tổng LĐLĐ Việt Nam cần kết hợp với các nhà đầu tư để làm rõ, kiểm soát được hiệu quả của dự án khi xây dựng, tới khi bàn giao cho người sử dụng.

Việc Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án, về quy hoạch để triển khai xây dựng Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ làm được, tuy nhiên khi dự án triển khai, chất lượng, tiến độ, giá thành để đưa những căn hộ nhà ở xã hội đến với người lao động cần phải xem xét từ nhiều phía, cùng các Bộ, ban ngành. Chủ đầu tư là ai thì mong muốn lớn nhất là người lao động sẽ có được những căn hộ thực sự tốt, sử dụng lâu dài với giá thành hợp lý”.

X.Sinh – N.Hoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích