Tạo cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đường bộ

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều, bổ sung quy định tổ chức giao thông phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ khai thác trên đường bộ, trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Bổ sung trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tạo cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đường bộ
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đường bộ (sửa đổi)

Bên cạnh đó dự thảo cũng đưa thêm quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện; Bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, thanh toán điện tử giao thông…

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, về cơ sở chính trị, việc xây dựng dự thảo Luật Đường bộ nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Việc xây dựng luật cũng hướng tới tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Tạo cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đường bộ
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông Vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, ông Lê Tấn Tới đề nghị tiếp tục rà soát một số quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất với quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định của pháp luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế; bổ sung đánh giá tác động đối với một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm tập trung quy định chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, tiếp tục làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo Luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Tạo cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đường bộ
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường bộ (sửa đổi)

Về nguyên tắc hoạt động đường bộ (Điều 4), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị sửa tên Điều này và chỉnh sửa nội dung theo hướng quy định nguyên tắc phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý hoạt động giao thông công khai, minh bạch, hiện đại; bổ sung quy định về các phương tiện giao thông đặc thù tham gia giao thông như xe quân sự thực hiện diễn tập, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; bổ sung nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động đường bộ để làm cơ sở xây dựng các quy định về bình đẳng giới trong Luật.

Liên quan đến chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ (Điều 5), một số ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại đồng bộ với phát triển phương tiện giao thông đường bộ. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn tại khoản 2 cho phù hợp với chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Tạo cơ chế huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đường bộ
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 15), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị tiếp tục xem xét, đánh giá thực trạng áp dụng quy định về tỷ lệ quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trong thời gian qua để quy định bảo đảm tính khả thi và giao Chính phủ quy định, hướng dẫn thực hiện tỷ lệ quỹ đất đường bộ đô thị theo từng khu vực trong đô thị để bảo đảm việc bố trí quỹ đất hài hòa trong toàn đô thị.

Về đầu tư xây dựng công trình đường bộ (Điều 32), ông Lê Tấn Tới cho rằng, một số quy định tại Điều này chưa bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng và chưa bảo đảm tính khả thi, do đó đề nghị nghiên cứu các ý kiến nêu trên để tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật. Đối với Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh (Điều 43), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị nghiên cứu các ý kiến để xây dựng các trung tâm quản lý, trung tâm chỉ huy giao thông tránh chồng chéo, lãng phí.

Hoàng Phúc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích