Tăng lương phải kìm được giá mới ý nghĩa

Tăng lương phải kìm được giá mới ý nghĩa
Người lao động mong sớm được tăng lương để cải thiện cuộc sống. Ảnh minh họa: Đức Thanh

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, về tăng lương cơ sở, nếu theo Nghị quyết 27 của Trung ương từ năm 2021 đã phải thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Song do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. Vì vậy, tại kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về phương án tăng lương, và đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 đồng triệu/tháng.

Đây là mức tăng rất hợp lý và sẽ tạo ra được động lực mới, giảm tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc. Với mức điều chỉnh khoảng 20,8%, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương đang hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%. Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế – xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi cách yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương.

Người đứng đầu ngành Nội vụ cho biết lộ trình và mức tăng là vậy và thông tin này được giới công chức, viên chức đón nhận hồ hởi. Tuy nhiên, xét góc độ kinh tế trên nền quỹ đạo “lương – giá” thì vẫn còn đó những trăn trở. Chúng ta thử làm phép tính, với mức lương cơ sở tăng lên là 1,8 triệu đồng/tháng nhân với hệ số thấp nhất (lương khởi điểm của công chức, viên chức mới được xét tuyển trong 3 năm đầu) thì mỗi tháng sẽ nhận được mức lương khoảng hơn 4,2 triệu đồng (tùy thuộc vào đặc thù ngành nghề, mức phụ cấp khoảng từ 500 ngàn đồng, đến 1 triệu đồng/tháng), sau khi trừ bảo hiểm, đoàn phí… mỗi tháng nhận được khoảng 4 triệu đồng.

Nếu viên chức đó sống cùng bố mẹ, cũng chưa đủ cho việc chi tiêu cá nhân. Còn người địa phương khác đến Hà Nội làm việc, phải thuê nhà, nếu không làm thêm chắc chắn sẽ không đủ tiền sinh hoạt. Còn với những cán bộ, công chức có thâm niên từ 10 năm trở lên, tính ra cả phụ cấp chức vụ, nghề nghiệp cũng chỉ từ 7 triệu đến khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tăng lương cơ sở thêm 310.000 đồng/ tháng là rất quý để hướng tới mục tiêu lương tối thiếu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, song như đề cập ở trên, việc tăng lương cơ sở thêm 310.000 đồng/ tháng so với mặt bằng giá hiện nay vẫn là khoảng cách rất xa.

Chúng ta hãy thử đưa ra một vài ví dụ điển hình. Giá thuê nhà trong các quận nội đô của thành phố Hà Nội, diện tích khoảng 20-35 m2 giá đã giao động 3,5-5 triệu đồng/tháng; một lít xăng giá ở mức hơn 20.000 lít; giá một chiếc xe máy dao động từ 25 đến 50 triệu đồng và giá một mét vuông nhà chung cư tầm trung từ 35- 40 triệu đồng. Ngay đến góc độ rất tế nhị đó là chuyện mừng cưới, người đi ăn cưới giờ đây mức thấp nhất cũng phải mừng mệnh giá 500.000 đồng.

Rõ ràng, do các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan mà giá cả trên thị trường không những giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Trong bối cảnh giá cả tăng, việc điều chỉnh mức lương cơ sở theo hướng tăng lên là một tín hiệu vui. Song sẽ vui hơn, ý nghĩa và đúng quy luật kinh tế hơn, khi chúng ta thực hiện việc tăng lương phải đi kèm với yếu tố kìm chế được giá cả để dần hướng tới mục tiêu “lương – giá là một thể thống nhất”. Khi đó, nhiều công chức, viên chức không còn cảnh “chân ngoài dài hơn chân trong”, cụm từ “tham nhũng vặt” cũng dần biến mất, nền an sinh xã hội được đảm bảo.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích