Sửa Luật Viễn thông: Tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển; bổ sung quy định đối với các nội dung mới, phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số.

Sửa Luật Viễn thông: Tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)…

Về cơ bản, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT- Over The Top) vì phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng.

Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông (Điều 23), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp; rà soát việc quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT cần gắn với quyền lợi của các doanh nghiệp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được đồng thuận, đối với những nội dung chưa có sự thống nhất, chỉ nên quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật và sẽ được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt trong thực tế…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), với các lí do đã được nêu trong Tờ trình. Về đảm bảo bí mật thông tin tại Điều 6, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần quy định giới hạn thông tin cụ thể mà các doanh nghiệp viễn thông được trao đổi, phục vụ cho mục đích cụ thể để tránh lạm dụng quyền và đảm bảo tối đa bí mật thông tin của người sử dụng.

Sửa Luật Viễn thông: Tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) là 1 dự thảo Luật có tác động lớn, rộng rãi đến người dân. Hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia cho đến các doanh nghiệp trong nước đang rất quan tâm đến một số chế định lớn của Luật Viễn thông, trước hết là việc mở rộng dự thảo Luật Viễn thông ra một số lĩnh vực mới.

Liên quan về tính cần thiết quản lý an toàn thông tin, ông Tuấn đồng tình về sự cần thiết phải quản lý, nhưng quản lý ở Luật nào thì cần xem xét, cân nhắc cho phù hợp. Về việc mở rộng điều chỉnh sang quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, ông Tuấn cho biết, nội dung này cũng có một số doanh nghiệp băn khoăn dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) có thể điều chỉnh hết tất cả vấn đề trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu điện toán đám mây không? Bởi trung tâm dữ liệu điện toán đám mây có liên quan đến cơ sở dữ liệu an toàn thông tin và rất nhiều chế định kèm theo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần phải nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Viễn thông này trong bối cảnh khoa học, công nghệ thông tin thay đổi nhanh. Đây là một dự án luật rất quan trọng để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề chuyển đổi số quốc gia.

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu làm rõ hơn nội hàm của hoạt động viễn thông để bổ sung các quy định phù hợp trong dự thảo Luật; nghiên cứu thấu đáo hơn quy định về hoạt động viễn thông bao gồm cả quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cho cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, vấn đề cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông, tạo thuận lợi thương mại và giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, cho người sử dụng dịch vụ.

Rà soát để đảm bảo tương thích giữa dự thảo Luật với điều ước quốc tế trong đó có các cam kết về mở cửa thị trường, các cam kết về thể chế và môi trường kinh doanh viễn thông, nhóm các cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế chung, các quy định về thủ tục tại các diễn đàn tổ chức chuyên môn và các khái niệm về viễn thông hoặc là trong lĩnh vực viễn thông đã được xác định trong các hiệp định thương mại tự do.

Đồng thời, rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vì hiện có đến 205 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực liên quan đến Luật Viễn thông 2009, trong đó có liên quan đến 64 luật và bộ luật, 72 Nghị định, 65 Thông tư, 4 thông tư liên tịch và 12 điều ước quốc tế…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích