Sửa Luật Thủ đô: Tập trung vào các quy định mang tính vượt trội, khác biệt, đặc thù

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa chủ trì cuộc họp để trao đổi, thảo luận về các nội dung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tham dự cuộc họp có các thành viên Tổ nghiên cứu, các sở, ngành của thành phố Hà Nội, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại cuộc họp, thay mặt Nhóm thường trực Tổ nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, sau Phiên họp đầu tiên của Tổ nghiên cứu, Bộ Tư pháp đã cùng với UBND thành phố Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Cụ thể, đã rà soát, chỉnh lý Bản dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên của Tổ; xây dựng bản so sánh giữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với Luật Thủ đô năm 2012 và các quy định pháp luật hiện hành; tổ chức 15 cuộc họp để rà soát, trao đổi các nội dung nhằm thể chế đầy đủ các giải pháp của chính sách đã được Chính phủ thông qua vào dự thảo Luật.

Sửa Luật Thủ đô: Tập trung vào các quy định mang tính vượt trội, khác biệt, đặc thù
Toàn cảnh cuộc họp.

Bước đầu, Nhóm thường trực Tổ nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận và xây dựng dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật để báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

Về một số nội dung cụ thể, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến cho biết hiện nay, dự thảo Luật được thiết kế theo 6 chương với 53 điều. Chương I (Những quy định chung) gồm 6 điều, trong đó cơ bản kế thừa các quy định tại Chương I Luật Thủ đô 2012; bên cạnh danh hiệu công dân danh dự Thủ đô, bổ sung danh hiệu công dân ưu tú.

Chương II (Tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội) gồm 11 điều – là Chương mới so với quy định của Luật Thủ đô 2012 và thể hiện rõ quan điểm tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thành phố.

Chương III (Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô) gồm 17 điều, quy định các cơ chế đặc thù, vượt trội để thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nông nghiệp; phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thành phố trong việc quy định các cơ chế tài chính, ưu đãi trong các lĩnh vực (miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; quy định chế độ an sinh xã hội cao hơn, chính sách đãi ngộ nghệ nhân văn hóa phi vật thể; quy hoạch, phát triển đô thị…).

Chương IV (Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô) gồm 5 điều, nhằm tạo sự chủ động cho Thủ đô trong việc huy động nguồn lực thông qua việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô thông qua việc cho phép Thủ đô có cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô.

Chương V (Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô) gồm 6 điều, nhằm tăng cường liên kết, phối hợp giữa Thủ đô, các tỉnh trong vùng Thủ đô trên các lĩnh vực trọng điểm, có tính chất liên kết vùng để huy động, sử dụng, phân bổ hợp lý, hiệu quả mọi nguồn lực, hướng tới xây dựng, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững…

Các đại biểu tham dự họp đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật như: bố cục; việc bổ sung danh hiệu Công dân ưu tú; mô hình thành phố thuộc thành phố Hà Nội; việc thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù cấp thành phố, cấp huyện; vấn đề tăng số lượng và tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân Thành phố; quy định thành phố Hà Nội được đàm phán, quyết định vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nước ngoài theo bảo lãnh của Chính phủ; quy định ưu đãi về thuế…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt cần bám sát các quy định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tinh thần của 9 nhóm chính sách đề xuất sửa Luật đã được thông qua.

Theo Thứ trưởng, Nghị quyết số 15 đã xác định rõ tinh thần Hà Nội phải đi nhanh, đi trước cả nước, vì vậy cần cố gắng tối đa đưa vào dự thảo Luật những quy định phù hợp, khả thi; tập trung vào các quy định mang tính vượt trội, khác biệt, đặc thù để khai thác được vị trí, tiềm năng, thế mạnh vượt trội của Hà Nội chứ không nên quá dàn trải.

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích