San lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp trái phép?

 

pt3
Diện tích đầm Quai Vạc từng là nơi thả cá, chứa nước bị người dân tự ý san lấp

Phát triển huyện Phúc Thọ trở thành “vành đai xanh” cho phát triển nông nghiệp

Thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc xử lý dứt điểm các vi phạm trên đất nông nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xử lý việc lấn, chiếm và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất rừng..

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ xây dựng đề án 07 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, quan tâm đến việc chuyển dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế vùng đồng bằng phía tây Hà Nội, với diện tích đất nông nghiệp lớn 6.939 ha, chiếm 58% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Phúc Thọ được thành phố quy hoạch là khu “Vành đai xanh” của thủ đô, là một trong những huyện sản xuất nông nghiệp trọng điểm cung cấp lương thực, thực phẩm cho Hà Nội và lân cận.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích để nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển đổi cây trồng phải toàn diện cả về thời vụ và chất lượng giống, cơ cấu cây trồng trên tất cả các loại đất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nhân dân, chú trọng quan tâm nâng cao chất lượng giống lúa thuần sang các giống lúa chất lượng cao.

pt5
Người dân tự ý xây bờ kè bằng gạch đỏ cao để ngăn cách với phần mương nội đồng

Bên cạnh đó, UBND huyện Phúc Thọ giao các xã chú trọng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần đảm bảo nhanh chóng theo kế hoạch nhưng phải xây dựng lộ trình và quy hoạch rõ ràng, người dân không được tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang loại đất khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

San lấp hàng ngàn m2 đất nông nghiệp trái phép

Theo thông tin người dân cung cấp, thời gian gần đây trên địa bàn xã Liên Hiệp huyện Phúc Thọ, hàng ngàn m2 đất nông nghiệp đang bị “biến dạng”, cùng với đó là việc tự ý cải tạo kênh mương nội đồng khu vực đầm Quai Vạc khiến cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân trở nên gián đoạn. Để thông tin được khách quan, Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn đã ghi nhận nhiều ngày tại khu vực cánh đồng Quai Vạc thuộc địa phận xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ xảy ra hiện tượng người dân tự ý san lấp, nâng cao bề mặt trồng lúa bằng trạc thải xây dựng, đất đá lẫn lộn, gây ra hệ quả khó lường,  hành vi làm biến dạng địa hình, không những làm suy giảm chất lượng gây ô nhiễm đất mà còn làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất.

pt4
Đất đá, trạc thải xây dựng được người dân dùng để san lấp đất nông nghiệp

Để làm rõ nội dung phản ánh này, sau hơn một tháng đặt lịch làm việc với UBND huyện Phúc Thọ, UBND xã Liên Hiệp. Phóng viên đã có buổi làm việc với Ông Đỗ Hoành Giáp – Phó chủ tịch UBND xã Liên Hiệp. Tại buổi làm việc, ông Giáp cho biết: “Đầm Quai Vạc trước đây là khi nhà nước thực hiện đắp đê đã lấy đất tại đây để đắp đê và sau đó trở thành Đầm đất công ích của xã cho một số hộ dân thuê để cấy lúa, chăn vịt, và thả cá. Đến năm 2014 thực hiện công tác dồn điền đổi thửa thì có 15 hộ dân tại đây đã bốc thăm vào vị trí đầm Quai Vạc nhưng đến nay sau gần 10 năm vẫn chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và cũng cho các hộ dân nơi đây đổ đất để tránh tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường” ?

Ông Giáp cho biết thêm sang đầu năm 2024 UBND xã nhận được đơn xin đổ đất của 15 hộ dân tại khu vực Quai Vạc để chuyển đổi mục đích từ trồng lúa, chăn vịt, thả cá sang đất trồng cây lâu năm. Các hộ dân này cũng đã xin đổ đất xấu, đất xây dựng phá dỡ xuống dưới đất nông nghiệp để tiết kiệm nguồn kinh phí so với đổ loại đất đảm bảo chất lượng.

Khi Phóng viên hỏi chính quyền xã có văn bản đồng ý với việc cho những hộ dân này thay đổi hiện trạng đất nông nghiệp nơi đây, thì vị Phó chủ tịch xã phân trần “Thể theo nguyện vọng của bà con nơi đây, canh tác cấy lúa hay bị ngập, chăn nuôi không đạt được năng suất cao nên đã tạo điều kiện cho dân đổ, theo luật mà nói thì chúng tôi đang sai, nhưng việc tạo điều kiện cho người dân đổ đất khi chưa được chấp thuận cũng là để hạn chế tình trạng người dân đổ trộm rác thải lên khu vực này. Khi được hỏi về quyết định giao đất, giao ruộng cho hộ dân sau khi dồn điền đổi thửa thì vị Phó chủ tịch xã cho biết chúng tôi vẫn chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ này.

pt2
Ông Đỗ Hoành Giáp – PCT UBND xã Liên Hiệp trong buổi làm việc với phóng viên

Theo như chia sẻ của vị Phó Chủ tịch xã Liên Hiệp thì xã hoàn toàn nắm được việc này nhưng vẫn không có những hướng dẫn cụ thể cho người dân mà thay vào đó là tiếp tục để các hộ dân tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, vô hình chung sẽ tạo tiền lệ xấu cho vi phạm phát sinh, đi ngược với chính sách phát triển theo quy hoạch của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Hoành Giáp cũng cho biết vị trí đất ruộng tại khu vực Quai Vạc không nằm trong danh sách được chuyển đổi theo kế hoạch số 07 của UBND xã nhưng không hiểu tại sao việc vi phạm vẫn được diễn ra rầm rộ ngày đêm mà không vấp phải sự can thiệp hay ngăn chặn quyết liệt nào từ UBND xã Liên Hiệp. Dư luận hoài nghi về năng lực quản lý của lãnh đạo xã Liên Hiệp có vấn đề hay có đang cố tình tiếp tay cho sai phạm?

Để tạo tính nghiêm minh trong pháp luật, giữ vững “vành đai xanh” thủ đô nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp tại huyện Phúc Thọ. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ chỉ đạo các bộ phận có liên quan vào cuộc kiểm tra và xử lý dứt điểm vụ việc trên(nếu có vi phạm). Cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Theo khoản 25 Điều 3 Luật đất đai 2013; khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, huỷ hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

 – Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

 • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

 • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

 • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

 • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

 • Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

 Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 64 Luật đất đai 2013.

 

 

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích