Quyết liệt hơn với buôn lậu, gian lận thương mại

Thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi

Để chủ động kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tích cực kiểm tra, kiểm soát, chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; kiểm tra, kiểm soát, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Quyết liệt hơn với buôn lậu, gian lận thương mại
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng minh nguồn gốc.

Thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, gian lận thương mại vẫn còn xảy ra. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là các nhóm mặt hàng như: Thuốc lá, pháo nổ, quần áo, bánh kẹo, thực phẩm…

Những tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo đã thanh tra, kiểm tra 10.556 vụ, xử phạt hành chính 9.428 vụ, khởi tố 73 vụ với 106 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 1.475 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ là 338 vụ, gian lận thương mại 7.615 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước là hơn 1.145 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong tháng 9/2022, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo đã kiểm tra 2.724 vụ; xử lý 2.505 vụ, khởi tố 12 vụ đối với 15 đối tượng liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 552 tỷ đồng…

Đáng chú ý, dù có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhưng nhóm hàng thực phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng lại đang bị các đối tượng bất chấp quy định làm giả trắng trợn.

Điển hình, ngày 22/8, Đội Quản lý thị trường số 1 – Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 204 phố Văn Hội, quận Bắc Từ Liêm. Cơ sở này do ông Trần Đức Tuấn làm chủ có dấu hiệu buôn bán hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả; giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm.

Do vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự là tội buôn bán hàng giả, Đội Quản lý thị trường số 1 quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ cùng tang vật tạm giữ đến Công an quận Bắc Từ Liêm để xử lý theo quy định.

Ngày 5/10, Đội Quản lý thị trường số 19 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an huyện Thạch Thất và Phòng Y tế huyện Thạch Thất tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất tại địa chỉ thôn Cánh Chủ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, phát hiện cơ sở này có dấu hiệu sản xuất hàng giả mạo là thuốc chữa bệnh. Tại thời điểm kiểm tra, tại cơ sở có 2 công nhân đang trực tiếp tham gia sản xuất, đóng gói thuốc Sabumol 2mg dạng vỉ loại 10 viên nén/vỉ.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều thùng chứa nguyên liệu có tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt cùng nhiều máy móc phục vụ việc sản xuất, đóng gói thuốc; hàng trăm kg nhãn sản phẩm mang tên Subumol 2mg, Nexium; Neo-Codion; Alphachoay; Chloramphenicol… Tại thời điểm kiểm tra chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giấy tờ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc và các giấy tờ khác liên quan đến chứng từ nguồn gốc nguyên liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc…

Liên quan đến vấn đề này, tại một hội nghị của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội tổ chức hồi tháng 7/2022, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đánh giá, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng. Các đối tượng thường xuyên dùng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… để bán hàng lậu. Công an Thành phố cũng đã phát hiện hàng chục nhóm kín, gỡ bỏ hàng chục nhóm Zalo, Facebook kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… trên không gian mạng.

Tăng cường đấu tranh, phát hiện và xử lý

Theo các cơ quan chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn rất gian nan. Số vụ việc được phát hiện xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện nay, việc các đối tượng vi phạm lợi dụng môi trường thương mại điện tử để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra khá thường xuyên, công khai và phức tạp. Các đơn vị chức năng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, bắt giữ, xử lý.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ – Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên thực trạng hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp. Hàng giả khi nhập lậu vào nội địa, qua nhiều phương thức khác nhau, có thể dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, đóng gói đưa ra thị trường; hay nhập hàng chưa có nhãn về sang chiết và đóng gói dán nhãn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ…

Đặc biệt, các đối tượng vi phạm dùng nhiều chiêu thức để tránh bị phát hiện hoặc để giảm trách nhiệm nếu bị phát giác như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet… gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, việc các đối tượng sử dụng mạng xã hội để buôn bán hàng lậu gây khó khăn cho lực lượng chức năng, do đó các đơn vị liên quan cần kiểm soát chặt từ cửa khẩu biên giới, các ga hàng không, đường sắt… đồng thời bổ sung chế độ hàng hóa có nguồn gốc chứng từ ngay từ khi nhập khẩu, không chấp nhận việc ghi giá thấp hơn thực tế để đối phó với lực lượng thực thi công vụ; cần tăng cường quản lý cấp phép đối với việc kinh doanh kho tàng, bến bãi, và có chế tài cụ thể khi phát hiện tại kho có hàng vi phạm…

Nhận định tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả sẽ diễn biến phức tạp những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục giám sát mặt hàng xăng dầu, một số mặt hàng nổi cộm như trang thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm, đường cát, vật liệu nổ, ma túy…

Bên cạnh đó, các Đội Quản lý thị trường cũng chú trọng công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tại các siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng đông lạnh, các chợ truyền thống, các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh… cùng với đó là giám sát việc thực hiện pháp luật về giá, niêm yết giá hàng hóa và bán hàng hóa theo giá niêm yết.

Các đội cũng bám sát địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những đối tượng lợi dụng hàng hóa tiêu thụ mạnh trong dịp Tết để đầu cơ găm hàng, ép giá, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá lên cao để kiếm lời, gây bất ổn thị trường./.

Minh Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích