Quảng Trị: Các dự án điện gió chuyển tiếp cần sớm hoàn thành đàm phán giá điện chính thức

(Xây dựng) – Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 31 dự án điện gió được quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch phát triển với tổng công suất 1.177,2MW. Trong đó, 20 dự án đã được vận hành thương mại với tổng công suất 742,2MW, nhưng vẫn chưa hoàn thành đàm phán giá điện do chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết.

Quảng Trị: Các dự án điện gió chuyển tiếp cần sớm hoàn thành đàm phán giá điện chính thức
Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Trong 11 dự án còn lại, có 1 dự án đã hoàn thành công tác thi công, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để đưa vào vận hành thương mại; 10 dự án với tổng công suất 394MW đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư.

Trong 10 dự án đang triển khai đầu tư, có 6 dự án thực hiện theo cơ chế, chính sách về giá cho các dự án điện gió chuyển tiếp được quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, bao gồm các dự án điện gió: LIG Hướng Hóa 1, LIG Hướng Hóa 2, TNC Quảng Trị 1, TNC Quảng Trị 2, Hải Anh, Tân Hợp; 4 dự án thực hiện khung giá theo quy định tại Thông tư số 19/2023/TT-BCT ngày 01/11/2023 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió, đó là dự án điện gió: Hướng Phùng 1, Hướng Linh 5, Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3. Hiện, khung giá này đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng để trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Tuy nhiên, các dự án chuyển tiếp không kịp vận hành theo cơ chế FIT, nên hiện nay phải thực hiện cơ chế đàm phán giá điện theo quy định tại Quyết định 21/QĐ-BTC ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương. Đến nay, các nhà đầu tư và Công ty Mua bán điện – Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa thể kết thúc đàm phán giá điện do chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết. Việc vận hành với giá điện tạm (50% giá trần) sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với các tổ chức tín dụng. Chính vì thế nhà đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, chuyển tiếp nội dung khó khăn này lên cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết cho các dự án chuyển tiếp nói chung sớm hoàn thành đàm phán giá điện chính thức.

Đối với các dự án không chuyển tiếp, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành cơ chế giá cho các dự án điện gió mới, làm cơ sở cho nhà đầu tư tính toán và chứng minh hiệu quả dự án với các tổ chức tín dụng, sớm thúc đẩy dự án hoàn thành và phát điện thương mại.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích