Quảng Ngãi: Nghi vấn nhà thầu lợi dụng thi công công trình để khai thác, sử dụng cát trái phép

(Xây dựng) – Công trình thuộc diện chỉ định thầu, nhưng nhà thầu thi công mãi không thấy xong, chỉ thấy “loay hoay” với mấy đống cát múc từ sông lên khiến người dân bức xúc và báo với chính quyền.

Quảng Ngãi: Nghi vấn nhà thầu lợi dụng thi công công trình để khai thác, sử dụng cát trái phép
Nhà thầu khai thác cát từ sông Vệ tập kết lên bờ

Tiếp nhận thông tin phản ánh của bạn đọc Báo điện tử Xây dựng về nghi vấn nhà thầu thi công sửa chữa, khắc phục sạt lở và hư hỏng hạ lưu cống xả K35 kênh chính Nam Thạch Nham, thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) lợi dụng việc thi công để khai thác cát sông Vệ tập kết lên bờ và sử dụng vào công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phóng viên đã tiếp cận hiện trường để ghi nhận.

Quan sát tại hiện trường vào những ngày đầu tháng 5, thời tiết nắng ráo nhưng công trường không một bóng công nhân, chỉ có một máy xúc và một lái máy hì hục đào bới bên mé sông. Theo người dân, công trình thường xuyên trong tình trạng lác đác nhân công, thiết bị. “Có một khúc kênh thôi mà làm từ năm ngoái tới giờ chưa xong, không hiểu họ làm ăn kiểu gì”, một người đi đường bức xúc.

Quảng Ngãi: Nghi vấn nhà thầu lợi dụng thi công công trình để khai thác, sử dụng cát trái phép
Một ụ cát lớn đã được nhà thầu sử dụng.

Theo tìm hiểu, dự án này được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ủy quyền cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định đầu tư, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai năm 2023 từ Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi.

Tất cả các gói thầu của dự án đều được giao thầu thông qua hình thức chỉ định, trong đó gói thầu có giá trị lớn nhất – hơn 998 triệu đồng là thi công xây dựng toàn bộ công trình được chủ đầu tư giao cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa). Các phần việc của gói thầu là sửa chữa đoạn kênh dẫn dài 20m và làm mới bể tiêu năng hạ lưu cống xả dài 12m, cùng với đó là gia cố 50m rọ đá bờ sông Vệ tại phạm vi tiếp giáp với cống xả K35.

Theo hợp đồng, công trình có thời gian thi công 72 ngày, được khởi công vào tháng 9/2023 và phải hoàn thành trong năm. Tuy nhiên, đến nay dù đã được gia hạn tiến độ nhưng mới chỉ triển khai đạt khoảng 80%, công trường vẫn ngổn ngang.

Quảng Ngãi: Nghi vấn nhà thầu lợi dụng thi công công trình để khai thác, sử dụng cát trái phép
Chính quyền địa phương không nhận được thông báo khi công trình khởi công xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện lãnh đạo xã Hành Phước cho hay, công trình có giá trị khối lượng nhỏ nhưng thời gian thi công kéo dài, nhà thầu không quyết liệt thực hiện. Cùng với đó, việc doanh nghiệp sử dụng phương tiện cơ giới để xúc cát từ sông lên bờ đã được người dân phản ánh lên chính quyền, địa phương cũng chủ động cắt cử người theo dõi. Trước Lễ 30/4 – 1/5, nhà thầu lấy từ sông lên một ụ cát hàng chục khối, sau Lễ không còn nên địa phương hỏi thì được nhà thầu trả lời là đã dùng để đổ bê tông thân kênh.

“Việc nhà thầu tự ý sử dụng cát sông Vệ để thi công công trình là không được phép. Hơn nữa, hiện tại nhà thầu tiếp tục tập kết thêm ụ cát mới, chúng tôi sẽ chỉ đạo Công chức địa chính xã, Công an xã phối hợp lập biên bản, ghi nhân sự việc”, đại diện lãnh đạo xã Hành Phước nói và cho biết thêm, thời điểm xác nhận công trình hư hỏng để lập dự án, xin kinh phí sửa chữa thì chủ đầu tư có xuống tận nơi lấy chữ ký của lãnh đạo địa phương, nhưng khi công trình khởi công xây dựng thì không thông báo cho địa phương. Do đó, địa phương “mù” thông tin về dự án, dù được triển khai trên địa bàn.

Quảng Ngãi: Nghi vấn nhà thầu lợi dụng thi công công trình để khai thác, sử dụng cát trái phép
Dự án được triển khai thi công chậm chạp.

Ông Hà Thế Vinh – Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết, vì là kênh nên trong phạm vi công trình không có cát, nếu nhà thầu có khai thác thì chỉ nằm ngoài phạm vi công trình. “Quan điểm của chủ đầu tư là nghiêm cấm việc nhà thầu tổ chức khai thác khoáng sản trong phạm vi công trình khi chưa được phép, còn việc nhà thầu cố ý hay lợi dụng việc thi công để khai thác ngoài phạm vi công trình thì thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương”, ông Vinh nói thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hồ Trọng Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, ông sẽ cho kiểm tra lại thông tin mà phóng viên phản ánh rồi thông tin lại.

Ở một diễn biến có liên quan, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm dạo gần đây nổi lên theo một cách “không giống ai”, khi thường “dính” cát trong lúc thi công công trình. Hồi tháng 12/2023, khi được chỉ định thầu thực hiện gói thầu theo diện “khẩn cấp” là nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông Phước Giang – Bàu Giang và Phước Giang – La Hà (huyện Tư Nghĩa) có giá trị lên đến 5,7 tỷ đồng, người của doanh nghiệp này đã tổ chức hút, tập kết và vận chuyển cát ra bên ngoài phạm vi công trình. Sự việc sau đó bị Công an thành phố Quảng Ngãi phát hiện, lập biên bản tạm giữ phương tiện và tang vật, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cho dừng thi công để xử lý.

Quảng Ngãi: Nghi vấn nhà thầu lợi dụng thi công công trình để khai thác, sử dụng cát trái phép
Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm là nhà thầu “quen mặt” của các gói thầu có “gốc” nông nghiệp.

Hơn 3 tháng sau, cũng tại dự án này, chủ đầu tư tiếp tục yêu cầu nhà thầu dừng thi công khi người dân xã Nghĩa Thương phản ứng gay gắt và “tố” nhà thầu chỉ lo hút cát chứ không thực hiện nạo vét lòng sông theo hồ sơ thiết kế. Nhà thầu khi đó đã sử dụng sà lan và máy hút công suất lớn hút một lượng lớn cát từ lòng sông, khiến người dân đôi bờ bức xúc, bất an và đối mặt với nguy cơ sạt lở đất đai, nhà cửa.

Dù vậy, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nguyên Tâm còn được biết đến là doanh nghiệp hiếm hoi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thường được ưu ái chỉ định các gói thầu có “gốc” nông nghiệp, giá trị mỗi gói từ dưới 1 tỷ đến gần 6 tỷ đồng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích