Phát triển nhà ở xã hội: Không tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư để hạn chế nâng giá bán nhà

Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt hơn

Chiều 30/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề cấp thiết phát triển nhà ở xã hội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó là phát triển, đầu tư nhà ở xã hội thì pháp luật quy định rõ hình thức nhà nước làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, cũng như huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp.

“Hai hình thức đều được quy định trong pháp luật, không có hạn chế trong việc phát triển, đầu tư nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Nói thêm về nội dung này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết trong phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước thực hiện 3 việc: Quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách, thanh tra – kiểm tra. Về việc làm chủ đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty nhà nước đã và đang tham gia xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội.

“Như tại Bình Dương, nhà ở xã hội tại địa phương này chủ yếu do Công ty Becamex thực hiện”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin.

Phát triển nhà ở xã hội: Không tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư để hạn chế nâng giá bán nhà
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề cấp thiết phát triển nhà ở xã hội.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trước đây việc dành quỹ đất cho phát triển, đầu tư nhà ở xã hội chủ yếu là thực hiện trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại. Hiện nay, việc sửa đổi Luật Nhà ở được thực hiện theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình phát triển nhà ở.

“Tới đây việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội sẽ do UBND cấp tỉnh điều tiết. Như vậy sẽ dành đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu như phù hợp điều kiện và quy hoạch”, ông Sinh nhấn mạnh.

Về các ưu đãi về tài chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong các chính sách đã quy định rất rõ bao gồm: Miễn tiền sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, lợi nhuận 10%, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi… Với những ưu đãi này, đã rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Sinh, thời gian tới, tại Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ đang đề xuất theo hướng hỗ trợ tích cực hơn. Trong đó sẽ tiếp tục miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiếp tục áp dụng lợi nhuận 10%, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư làm các khu thương mại dịch vụ; được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu dự án nhà ở xã hội…

“Có ý kiến cho rằng tại sao không tăng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư phát triển xã hội từ 10% lên 15%. Nếu làm điều này sẽ nâng giá bán nhà ở cho người thu nhập thấp”, ông Sinh cho biết.

Theo ông Sinh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần cải cách thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển nhà ở xã hội.

Về việc tiếp cận vốn, theo ông Sinh, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm lãi suất, khoang nợ, giãn nợ… Riêng với nhà ở xã hội có gói 120.000 tỷ để các nhà đầu tư vay với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất thương mại.

“Với các chính sách hỗ trợ, tới đây nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tốt hơn”, ông Sinh nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư, xây dựng chung cư mini

Ngoài ra, tại cuộc họp báo, một câu hỏi khác được đặt ra đó là việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho các chung cư mini (CCMN) hiện hữu sau vụ cháy ở Khương Hạ, Thanh Xuân.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo cụ thể. Các địa phương cũng đã vào cuộc, có chỉ đạo cụ thể trong đó có tổng kiểm tra rà soát toàn bộ hoạt động của loại hình CCMN này và đã phát hiện ra nhiều sai phạm.

Phát triển nhà ở xã hội: Không tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư để hạn chế nâng giá bán nhà
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023.

Để đảm bảo an toàn cho các CCMN hiện hữu, về giải pháp tổng thể, hiện nay loại hình nhà này đã được quy định trong Luật Xây dựng, đồng thời đã có đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong Luật Phòng cháy, chữa cháy nhưng việc thực thi một số nơi không nghiêm túc dẫn đến nhiều vấn đề đáng tiếc. Theo ông Sinh, việc đầu tiên các địa phương cần thực hiện là phải tăng cường kiểm tra rà soát, xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư, xây dựng CCMN.

“Trong thời gian tới, các địa phương cũng phải đôn đốc chỉ đạo các chủ nhà khẩn trương triển khai đầu tư cải tạo để làm sao ngăn được giữa khu vực để xe, dễ phát sinh cháy nổ với lối thoát của cư dân một cách thuận lợi, phải có đầu tư cải tạo thêm hệ thống lối thoát, cầu thang thoát hiểm. Đây là việc cần thực hiện ngay”, ông Sinh nói.

Giải pháp thứ hai đó là có chỉ đạo đầu tư trang thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ. Bộ Công an đã có chỉ đạo quyết liệt, phải tổng rà soát lại hệ thống điện hiện hữu để đảm bảo không cháy nổ, đủ công suất sử dụng trong nhà. Phải bổ sung, mua sắm công cụ phòng chống cháy, nhất là mặt nạ phòng độc, giúp người dân có trang thiết bị để sử dụng khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, phải tăng cường công tác tập huấn cho các hộ dân trong CCMN để ứng phó kịp thời, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua.

Liên quan tới việc quản lý vận hành của các CCMN, cần quan tâm, bố trí bảo vệ trông coi là người đủ sức khoẻ, có kiến thức, kỹ năng để xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra cháy nổ. Có nội quy, quy định phổ biến cho người dân để việc quản lý được thông suốt, thống nhất.

Ngân Phương

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích