Nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ 04 đúng trong kiểm soát nông sản của thị trường nhập khẩu

1
Năm mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam gồm: Ớt, mỳ ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long thuộc diện kiểm soát. Ảnh internet.

Liên quan đến việc 05 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam gồm: Ớt, mỳ ăn liền, sầu riêng, đậu bắp và thanh long thuộc diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU), ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho rằng, nông dân và doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát nông sản để đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.

Thực tế, nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn nông sản, nguy cơ bị nâng mức độ giám sát và gia tăng các mặt hàng bị kiểm soát là điều có thể xảy ra tại các thị trường nhập khẩu, nhất là Châu Âu.

Đây là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng giám sát tại cửa khẩu của Liên minh Châu Âu (EU) với tần suất 10%, do trước đó trong nửa cuối năm ngoái đã có 03 lô hàng sầu riêng bị cảnh báo có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

2
Nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ 04 đúng trong kiểm soát nông sản của thị trường nhập khẩu. Ớt xuất khẩu. Ảnh internet.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, quy định giám sát là bình thường trong thương mại nông sản giữa các quốc gia, mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng dẫn đến những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp.

Ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh: Mở cửa được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường còn khó hơn nếu không kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn nông sản, nguy cơ bị nâng mức độ giám sát và gia tăng các mặt hàng bị kiểm soát là điều có thể xảy ra.

“Trong quá trình canh tác, nông dân và doanh nghiệp lưu ý và nắm chắc những hoạt chất mà EU không cho phép sử dụng, còn lại những hoạt chất mà EU hoặc Việt Nam cho phép sử dụng thì chúng ta phải tuân thủ “04 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách” trong quá trình canh tác. Đảm bảo thời gian cách ly để đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”, ông Ngô Xuân Nam lưu ý nông dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của ngành hàng nông sản Việt, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản Việt.

Theo Thương Hiệu Và Công Luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích