Nông dân sẽ được hưởng lợi gì khi trồng lúa giảm phát thải carbon?

1
Trồng lúa giảm phát thải, nông dân có thể thu thêm hàng triệu USD.

Thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường

Sản xuất lúa và xuất khẩu gạo là thế mạnh của nước ta. Năm 2023, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, nước ta còn xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo, thu về 4,6 tỷ USD. Song, canh tác lúa cũng là ngành tạo ra lượng phát thải lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) dẫn số liệu về tổng lượng phát thải khí nhà kính do sản xuất nông nghiệp năm 2020 là 90 triệu tấn carbon. Trong đó, canh tác lúa chiếm tới 39,1%, chăn nuôi chiếm 24,8%; canh tác nông nghiệp ngoài lúa chiếm 33,6%; từ đốt phụ phẩm chiếm 2,5%.

Đáng nói, thế giới ngày càng có những đòi hỏi, yêu cầu cao hơn về việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tiêu dùng xanh trở thành xu thế trên toàn cầu. Vì thế đòi hỏi ngành nông nghiệp, nông dân trồng lúa phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn-IPSARD (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Thế giới ngày càng có những đòi hỏi, yêu cầu cao hơn về việc bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là lý do Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án được xây dựng nhằm hiện thực hóa nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu. Mục tiêu của đề án nhằm xây dựng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Đây là đề án mang tính chất đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng có diễn biến tiêu cực, khó lường.

Nhân đôi lợi nhuận

2
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu dự Lễ phát động thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao – Ảnh: VGP/Hải Minh.

Trong cuộc họp giao ban ngày 3/5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần có phương án truyền thông để giúp người dân hiểu rõ được những lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải trong đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ trưởng, áp dụng quy trình canh tác này sẽ giúp người sản xuất giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận đáng kể so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, việc giảm phát thải, bán tín chỉ carbon chỉ là giá trị gia tăng. Bộ trưởng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nghiên cứu xây dựng sổ tay về quy trình canh tác trong đề án này. Trong đó, giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu nhất những câu hỏi của người nông dân như có dễ làm không, có tốn kém không, lợi nhuận có cao không…

Trong đề án 1 triệu ha nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống… Tỷ suất lợi nhuận của nông dân trồng lúa là trên 50%.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt tính toán, với diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm (sản lượng 13 triệu tấn lúa năm 2030). Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Chỉ với hai yếu tố trên, ngành lúa có thêm 16.500 tỷ đồng/năm. Chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải.

Điều đáng nói, nông dân không chỉ giảm được chi phí đầu vào, tăng được giá bán lúa mà còn thu được tiền từ bán tín chỉ carbon.

Ước tính của Ngân hàng Thế giới, với 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon/năm. Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon, tức 1 triệu ha lúa người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD/năm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, tiêu dùng xanh đang là một xu thế trên toàn cầu. Vì thế đòi hỏi ngành nông nghiệp, nông dân trồng lúa phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường, chuyển từ tư duy sản xuất tập trung sản lượng sang phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững. Đề án này nếu được thực hiện tốt sẽ mang lại đa giá trị cho lúa gạo: Kinh tế, môi trường, xã hội, sức khỏe, văn hóa… Thực hiện trồng lúa theo đề án này, người dân sẽ có thời gian rảnh rỗi, nông nhàn, có thể nghỉ ngơi tăng sức khỏe hoặc làm nghề phụ để tăng thêm thu nhập.

 Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích