Những người “hay kêu”!

Trở lại vấn đề chống dịch tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Đã trải qua 2, 3 tháng ròng rã, mặc dù Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố hết sức cố gắng, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, chi viện từ Trung ương, song do đặc thù Thành phố mật độ, quy mô dân số quá đông, chủng mới Delta có độ lây lan nhanh… nên công tác phòng, chống dịch chưa đạt kết quả như mong muốn.

Những người “hay kêu”! hoặc Tít “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta!”
Các chiến sĩ sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị “tỏa” xuống các xã, phường để làm nhiệm vụ. (Ảnh: LĐ)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và cả kinh tế – xã hội của thành phố đông dân nhất cả nước, có quy mô kinh tế lớn nhất nước, nên nhiệm vụ cấp bách là phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự tham vấn của các cơ quan chuyên môn, Thủ tướng đã đi tới quyết định huy động lực lượng quân đội, công an vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch.

Việc đưa lực lượng quân đội, công an vào các tỉnh phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa 3 mục tiêu: Hạn chế tối đa số người ra đường để thực hiện nghiêm giãn cách, dễ dàng trong việc khoanh vùng xét nghiệm, chống lây nhiễm cộng đồng; tăng cường điều trị các F0 có xu hướng nhẹ để hạn chế tử vong, giảm tải tối đa cho hệ thống y tế vốn đang quá tải; đảm bảo an sinh không để ai bị thiếu nhu yếu phẩm, bị bỏ đói bằng cách bộ đội, các lực lượng đi chợ hộ dân, công an quy tụ những người dân không nơi nương tựa để phân phát nhu yếu phẩm, khám và sàng lọc bệnh.

Quan điểm xuyên suốt là thế. Và thực tế ba ngày qua, chúng ta đã nhìn thấy một thành phố Hồ Chí Minh bình yên hơn, yên lòng, tự tin hơn. Hình ảnh các chiến sĩ bộ đội, công an đi chợ, phân phát nhu yếu phẩm đến từng hộ gia đình, rồi đến từng ngõ ngách để thăm, khám, tư vấn cho những người không may bị nhiễm Covid-19, thấy thật đẹp, thật ấm lòng và cũng thật xúc động!

Những người “hay kêu”! hoặc Tít “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta!”
Chiến sĩ mang nhu yếu phẩm đến trao trận tay bà con vừa thể hiện tình quân dân, vừa góp phần thực hiện nghiêm giãn cách để chống dịch.

Cháu tôi đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin: “Cậu ơi, sáng nay cháu được các chiến sĩ mua gạo và thực phẩm đến tận nhà. Hàng xóm ai cũng vui lắm. Có các chú bộ đội, công an vào giúp dân, cuộc chiến với đại dịch nhất định sẽ thành công”. Đọc tin của cháu mà tôi thấy ấm áp lạ, thêm trân quý nghĩa tình quân – dân.

Mở điện thoại lướt Facebook xem cư dân mạng nghĩ gì về nghĩa tình ấy, tôi bắt gặp rất nhiều quan điểm, ý kiến đồng tình với Chính phủ khi đưa các chiến sĩ bộ đội, công an vào giúp các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Những hình ảnh sinh động về “tình quân dân” được lan truyền trên mạng làm ấm áp lòng người. Không những thế, nhiều bài phân tích rất hay, sâu sắc, công tâm, khoa học giúp chúng ta có góc nhìn khách quan, bao quát hơn về công tác phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có người không chỉ bày tỏ ý kiến, quan điểm trái chiều mà thậm chí có biểu hiện kích động, “kêu than” việc giãn cách xã hội lâu là đi ngược quy luật, là gây khó khăn…. Một số Facebooker còn lan truyền hình ảnh, mẩu chuyện thiếu tính nghiêm túc đối với các chiến sĩ tham gia chống dịch… Đọc xong mà thấy buồn.

Thử hỏi trong chúng ta có ai không thích tự do đi lại, ai không thích bay nhảy, giao tiếp? Con người nếu ở mãi trong nhà, không được giao tiếp, đi lại, bay nhảy sẽ cảm thấy tù túng, khó chịu là điều dễ hiểu. Nhưng tạo hóa ban cho con người sự thông thái, tính chịu đựng cao hơn, biết suy luận phân biệt phải trái, biết vận dụng hoàn cảnh. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, vì an toàn tính mạng, chúng ta phải chấp nhận đánh đổi, chấp nhận hy sinh tự do, sở thích cá nhân trong ngắn hạn để đổi lấy an toàn cho bản thân, người thân và cộng đồng trong dài hạn. Nếu phải lựa chọn con đường đến bệnh viện để chịu đựng những cơn “hành xác” vì Covid-19, rất có thể phải tử vong đơn độc, với việc ở nhà trong bình yên dù có chút thiếu thốn, tôi tin rằng chắc chắn ai cũng chọn ở nhà.

Nghe những lời “kêu than” vì giãn cánh, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện của một người từng phản đối việc đeo khẩu trang, cấm ra đường và cho rằng Covid-19 như cúm mùa chẳng có gì phải hoảng sợ. Thế rồi, bỗng một ngày, người đó phải nhập viện, qua cơn thập tử nhất sinh, nằm trên giường bệnh với cả mớ dây sợi chằng chịt, người ấy giọng thều thào như muốn khóc: “Bà con ơi, giờ tôi mới tin Covid-19 là có thật, Covid-19 là nguy hiểm”.

Lại nhớ câu chuyện của một người hay kêu mà tôi từng chứng kiến. Ngay tổ dân phố nhà tôi chứ chẳng nói đâu xa, có một bác công nhân nhà khá nghèo, 10 năm trước ngoài lúc làm việc ở công ty, bác vẫn đi làm thêm thời gian trống. Làm đủ mọi việc cốt để nuôi 2 con ăn học. Tôi biết, gia đình bác vất vả, vợ ốm, con ăn học, lương công nhân không đủ nuôi gia đình, nhưng chưa bao giờ thấy mở miệng kêu. Cách nhà bác không xa có một anh tuổi trung niên, cũng chỉ làm một nghề thông thường, nhưng mỗi lần nói chuyện là anh “kêu”, anh “than”, anh “phán” đủ mọi thứ trên đời, hết chê người này không tài giỏi, đến phán anh kia lên chức vì tiền, đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh… Anh xem mình như nhân vật trung tâm.

10 năm sau, 2 con của bác công nhân nọ trở thành những chuyên gia công nghệ hàng đầu và hiện đang làm việc cho một Tập đoàn của Nhật. Con cái thành danh, bác vẫn “ẩn mình” khiêm tốn như xưa. Còn anh nọ, cũng hai con, nhưng lông bông chẳng có nghề nghiệp gì ra hồn. Ở cái thời, thi đậu đại học chẳng có điều gì quá khó, nhưng con anh vẫn “rớt”. Mỗi lần anh em trong tổ dân phố gặp nhau, anh vẫn không thể bỏ tính “chê”, tính “kêu”!

Những người “hay kêu”! hoặc Tít “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta!”
Các bác sĩ lặng thầm ngày đêm chăm sóc bệnh nhân Covid-19. (Ảnh: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh)

Thầy giáo dạy tôi xưa từng nói hai câu chí lý, có lẽ nhớ suốt đời: “Những người hay kêu, hay than nhất là những người chẳng làm việc gì ra hồn”;Nếu ai đó bẻ một cành cây và cắm xuống đất nói rằng mảnh đất này của tôi thì đó chỉ có thể là những chiến sĩ, anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của mảnh đất hình chữ S này”.

Vâng, nếu được phép “kêu” khi giãn cách xã hội do đại dịch thì có lẽ hãy dành riêng cho đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng vũ trang và đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Họ gian khổ, hiểm nguy, hy sinh cả mạng sống để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, trong đó có những người hay “chê”, hay “xỉa xói” trên mạng xã hội… Nhưng họ đâu có “kêu”, họ vẫn âm thầm làm việc, cống hiến, không quan tâm, dẫu biết rằng xung quanh vẫn có những người chê bai, bỉ bôi.

Đất nước đang vào Thu, nhìn hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại càng thấm thía câu nói “lương y như từ mẫu”, càng hiểu thế nào về “tình quân dân như cá với nước”, nghĩa đồng bào thân thương. Và tôi tin, dịch sẽ được đẩy lùi!

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Cá nhân mỗi người, nếu chẳng có tiềm lực kinh tế, không tham gia trực tiếp chống dịch được, thì nên biết tự bảo vệ chính mình và chấp hành nghiêm các chỉ thị về giãn cách, chống dịch. Như thế cũng góp phần bé nhỏ vào công cuộc phòng, chống đại dịch hiện nay.

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích