Những con số lạnh lùng của Covid-19

Không xót xa sao được khi các bệnh nhân đều là những người con nước Việt. Chúng ta đang phải trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn với nỗi đau đại dịch mang lại.

Chính phủ cùng các Bộ, ngành và cả doanh nghiệp đã nhanh chóng tìm các nguồn vắc xin về tiêm cho nhân dân. Những loại thuốc đặc trị vô cùng quí giá như Remdesivir cũng đã được đưa về với mục tiêu tối thượng là cứu sống đồng bào mình.

Các y, bác sỹ đang ngày đêm căng sức cứu chữa cho bà con. Dù rất nỗ lực nhưng vẫn có nhiều người không qua khỏi, cảnh chia ly, kẻ ở người “đi” làm chúng ta bật khóc. Như câu chuyện của chàng thanh niên Trần Mạnh Giầu ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, trong lần sinh nhật lần thứ 25 của mình, anh đã vĩnh viễn mất đi người mẹ thân yêu do tử vong vì Covid- 19.

Những con số lạnh lùng của Covid-19
Đường phố Hà Nội sáng 16/8 vẫn đông người, nếu có ca F0 thì hậu quả thật khó lường (Ảnh Đinh Luyện chụp sáng 16/8)

Hôm qua (15/8), cả nước ghi nhận 9580 ca mắc Covid- 19 mới, đưa số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước kể từ đợt dịch 27/4/2021 đến nay lên con số 271.037 ca. Mức dù đã có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Song số ca từ vong ngày 15/8 là 337 ca cũng khiến chúng ta nhói lòng. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, những con số này chưa dừng lại. Thành phố đang hạ quyết tâm đến ngày 15/9 kiểm soát được dịch bệnh.

Cũng ngày hôm qua, khi có tin Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, rất đông người đã ùn ùn tìm đường về quê gây nên cảnh tắc nghẽn ở một số chốt. Còn nhớ những ngày đầu khi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người dân chưa ý thức hết độ nguy hiểm của lây lan dịch bệnh đã không thực hiện nghiêm túc, vẫn ra đường và hậu quả là tình hình dịch bệnh đang rất khó kiểm soát.

Còn ở Hà Nội, chiều hôm qua (từ 12h – 18h), sau nhiều ngày lo lắng, khi cơ quan chức năng thông báo không có ca nhiễm Covid mới, cộng đồng mạng reo vui vì “một buổi chiều không có Covid”. Để rồi sáng nay (16/8), ngày thứ hai đầu tuần, rất nhiều người đã đổ ra đường. Dường như họ “quên” là đang phải sống trong những ngày giãn cách. Họ có biết những ngày qua, biết bao trí tuệ, công sức, tiền bạc và cả những sự hy sinh của không biết bao người để giữ dịch không bùng phát. Với việc “xuống đường” như hôm nay, rất dễ bùng phát sự lây lan ngoài cộng đồng. Theo báo cáo dịch bệnh toàn cầu hàng tuần của Tổ chức Y tế Thế giới công bố vào ngày 11/8 cho thấy, trong các mẫu phát hiện sớm của những người bị nhiễm chủng virus biến thể Delta, tải lượng virus cao hơn khoảng 1.000 lần so với chủng ban đầu, có nghĩa là chủng Delta tái tạo nhanh hơn, có nguy cơ tái nhiễm cao hơn.

Với tải lượng virus cao hơn khoảng 1.000 lần như vậy, chỉ cần 1 ca F0 có mặt trên đường phố tấp nập thì hậu quả là điều không tránh khỏi. Muốn chấm dứt sớm nhất những ngày giãn cách, những ngày u ám, đau thương vì Covid thì cách tốt nhất là hãy ở nhà.

Ở nhà là tốt, nhưng cũng đừng “đẩy” người khác ra đường. Tôi có một cô bạn bị mắc bệnh nền, từ khi giãn cách không dám ra đường. Ship hàng đến cứ để ở nơi bảo vệ gác tòa nhà và phải 2 tiếng sau mới dám xuống lấy. Hôm vừa rồi cô bạn nhắn tin khoe “em mới mua con Robot lau nhà sạch lắm”. Tôi nhắn hỏi: “Robot không phải mặt hàng thiết yếu, đang giãn cách thế này mà họ cũng đem đến được à?”. Bạn trả lời: “Nếu cần gì thì cũng ship được, huống chi con Robot”. Đấy, dù nghiêm chỉnh ở nhà nhưng lại “đẩy” người khác ra đường, bảo sao đang giãn cách xã hội mà đường phố đông người thế.

Đường phố cứ đông người thì nhiều khả năng sẽ tăng những ca F0. Trưa nay (16/8) Hà Nội lại có 25 ca, trong đó 16 ca F0 ngoài cộng đồng rồi đó. Và đương nhiên thời gian giãn cách sẽ kéo dài. Giờ bạn chọn đi, ra đường làm những việc không thiết yếu để mỗi buổi sớm mở báo đọc xem có bao nhiêu người tử vong vì Covid, mỗi tối giật mình khi điện thoại đổ chuông sợ đầu dây bên kia thông báo người thân bị Covid, hay nghiêm chỉnh ở nhà để góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch này?

Hùng Sơn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích