NHCSXH An Giang: Cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng

Cho vay đối tượng chính sách. Ảnh Trọng Triết

Ban đại diện NHCSXH chi nhánh tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đạt 173,672 tỷ đồng với 3.906 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó, chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 5,043 tỷ đồng để mua 403 máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 21,926 tỷ đồng với 75 lượt khách hàng vay vốn; chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm đạt 139,998 tỷ đồng, với 3.307 khách hàng được vay vốn tạo việc làm; chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 0,645 tỷ đồng, với 11 khách hàng vay vốn; chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 6,06 tỷ đồng với 110 khách hàng vay vốn.

Đáng chú ý, kết quả hỗ trợ lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH chi nhánh tỉnh An Giang theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến 30/6/2023, đã giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt hơn 1.823,49 tỷ đồng, cho trên 57 ngàn khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 25,05 tỷ đồng, trong đó số tiền đã hỗ trợ lãi suất năm 2022 là 11,02 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 06 tháng đầu năm 2023 là 14,03 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023, NHCSXH chi nhánh An Giang tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Tổng Giám đốc giao năm 2023 đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; đặc biệt đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội; nâng mức cho vay các chương trình, đảm bảo đầu tư vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; từng bước nâng mức dư nợ bình quân/hộ, đặc biệt là dồn toàn lực tập trung giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng; tích cực, chủ động thực hiện công tác huy động các nguồn vốn, nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Tân giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh Trọng Triết

Cùng với đó, tiếp tục tham mưu cho các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác quản lý và xử lý nợ trong toàn hệ thống, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, khách quan. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách. Đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao./.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích