Người dân không nên hoang mang về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thái – Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khi đưa vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca về Việt Nam tiêm chủng phòng chống dịch, ngành Y tế đã rất thận trọng vấn đề về huyết khối đã ghi nhận ở châu Âu.

Người dân không nên hoang mang về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca
Việt Nam vừa triển khai tiêm chủng, vừa kiểm tra, theo dõi, giám sát rất chặt khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Thực tế, Việt Nam vừa triển khai tiêm chủng, vừa kiểm tra, theo dõi, giám sát rất chặt. Tại Việt Nam đã có hàng chục triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được sử dụng, nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm. Đây là một tỷ lệ vô cùng thấp.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam chưa ghi nhận sự chênh lệch có ý nghĩa trong cộng đồng. Do đó, hiện vẫn chưa có khuyến cáo những người tiêm vắc xin có nguy cơ huyết khối cao hơn so với những người không tiêm.

Ngoài ra, vấn đề huyết khối đã ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc xin. Trong khi đó, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đã được tiêm chủng tại Việt Nam khá lâu, và đến nay không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp nào có phản ứng bất lợi sau tiêm. “Do đó, người dân đã tiêm vắc xin không nên hoang mang, lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin” – Phó Giáo sư Phạm Quang Thái cho biết.

Cũng sau khi thông tin vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 bị cáo buộc gây ra tác dụng hiếm gặp có khả năng dẫn đến đông máu, nhiều người đã có tâm lý đi xét nghiệm D-Dimer – xét nghiệm sinh hóa được dùng để chẩn đoán huyết khối trong máu.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga, với những người dân đã từng tiêm vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19, không cần xét nghiệm D-dimer hay bất xứ xét nghiệm đông máu nào. Bởi tác dụng phụ gây đông máu và giảm tiểu cầu của loại vắc xin AstraZeneca chỉ xảy ra với xác suất rất thấp.

Người dân không nên hoang mang về tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, trong trường hợp bị ảnh hưởng, tác dụng phụ của vắc xin chỉ ảnh hưởng trong khoảng thời gian 4 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên. Vị chuyên gia này cho biết: Nếu có chẳng may hình thành cục máu đông. Trường hợp 1: Cục máu đông to, gây biến cố như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… lúc này người bệnh biết ngay có có thể mình dính tác dụng phụ của vắc xin AstraZeneca; trường hợp 2: Cục máu đông nhỏ, nó sẽ tan dần, thường sau tối đa 4 tuần là không còn nữa. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer trong máu.

“Trong khi mũi tiêm vắc xin AstraZeneca của người dân gần nhất cách đây có lẽ cũng 2 năm, nếu không có biến cố về cục máu đông ngay lúc đó, thì bây giờ cũng không còn bất cứ dấu hiệu nào của cục máu đông nữa, nếu có” – bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

Bởi vậy, theo vị chuyên gia này việc xét nghiệm D-dimer thời điểm hiện tại không có ý nghĩa gì để đánh giá tác dụng gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở người đã tiêm vắc xin AstraZeneca. Nếu xét nghiệm sau trong vòng 6 – 8 tuần sau khi tiêm thì có thể có ý nghĩa. “Bởi vậy, người dân không nên quá lo lắng khi đã tiêm vắc xin AstraZeneca, đồng thời không nên đi xét nghiệm vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền vô ích” – bác sĩ Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga cho biết thêm.

Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngoài 30 triệu liều vắc xin Covid-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Số vắc xin này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 trong năm 2022. Hàng trăm triệu lượt người đã được tiêm từ 2 – 4 liều vắc xin Covid-19, bao gồm vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Moderna…

Minh Khuê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích