Người dân được hưởng lợi từ mô hình PPP

Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, việc thực hiện đề án tái cơ cấu đòi hỏi ngành phải huy động và sử dụng hiệu quả một lượng vốn đầu tư lớn từ nhà nước và toàn xã hội. Vì vậy, khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua hợp tác công tư PPP là một giải pháp cần thiết để giải quyết những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang và sẽ phải đối mặt.

Mục tiêu hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đã được Chính phủ thông qua bằng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định thu hút đầu tư tư nhân là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam còn quá thấp chỉ chiếm khoảng 3 – 4%. Tỉ lệ này đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp hơn.

Người dân được hưởng lợi từ mô hình PPP
Ảnh minh họa

Có nhiều lý do được đưa ra để trả lời cho tình trạng èo uột trong đầu tư vào ngành nông nghiệp như: Doanh nghiệp vẫn đang thiếu kênh thông tin để tiếp cận mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư tư nhân đã được ban hành; rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nhưng vẫn chưa lựa chọn được phương thức kinh doanh phù hợp; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất ổn định cho dù họ sẵn sàng thực hiện hoạt động đầu tư.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế – xã hội của Việt Nam”, Tiến sĩ Hồ Thanh Thủy, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, lợi ích PPP đem lại cho nông nghiệp rất lớn, đang là nhân tố chiến lược giúp tăng sức cạnh tranh của các chuỗi nông sản. Trên hết, thu nhập của nông dân được bảo đảm vì sự gắn kết quan trọng nhất trong PPP chính là sự kết nối giữa những doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân. Qua mô hình này, các nhà quản lý cũng có cái nhìn tổng thể và thước đo kinh tế chính xác hơn khi xây dựng và áp dụng các chính sách cho nông nghiệp.

Ngay như ở nhóm cây lương thực, hiệu quả của trồng ngô được tính toán cho giá trị nổi bật hơn hẳn so với trồng lúa. Theo tính toán của nhóm này thì cả khi bán gạo ở mức giá cao nhất và bán ngô ở mức thấp nhất, thu nhập từ ngô vẫn cao hơn 2,5-6 lần so với trồng lúa. Chính vì hiệu quả kinh tế rõ ràng này, nhóm PPP cây lương thực đã dễ dàng kết nối thị trường đầu ra cho ngô. Hiện nay nhóm đã có sự tham gia của các Công ty Bunge, Vinasoy và Vinamilk để tiêu thụ các sản phẩm ngô và đậu tương, giảm được nhập khẩu.

Khi người nông dân và doanh nghiệp bắt tay trở thành một chuỗi gắn kết, các chính sách bổ trợ cho toàn chuỗi sẽ giúp từng mắt xích trong chuỗi được hưởng lợi. Đây là quá trình mà chính sách sẽ tác động theo hướng nâng cao thu nhập cho nông dân. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà đầu tư cũng như chính quyền một số địa phương đã mạnh dạn triển khai mô hình đầu tư đối tác công – tư để phát triển nông nghiệp. PPP sẽ là cánh cửa rộng mở để Việt Nam đón nhiều nhà đầu tư tư nhân nhập cuộc, đưa nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Thủy, PPP là kênh thu hút được dòng vốn tư nhân đầu tư vào nông nghiệp. Mô hình PPP trong nông nghiệp chính là mô hình phát triển bền vững. Nhiều dự án được triển khai đã mang lại thành công, gặt hái nhiều thành quả. Điển hình như dự án Phát triển ngành chè bền vững giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tập đoàn Unilever. Trong thời gian tới, không chỉ có ớt, chè, cà phê Việt Nam được “định danh” trên thị trường quốc tế, mà còn rất nhiều nông sản khác sẽ có được vị trí từ PPP, nhờ sự nhập cuộc của các nhà đầu tư tư nhân.

Ưu điểm nổi bật của các dự án PPP trong nông nghiệp nhiều khi không cần đến “vốn mồi” từ Chính phủ cũng như những ưu đãi đặc biệt khác. Trong bối cảnh vốn đầu tư vào ngành nông nghiệp còn hạn chế, việc ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững và đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP là một cách để tiếp tục “hút” được vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Thực tế, tín hiệu đáng mừng là đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tầu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như Vinamilk, Công ty cổ phần đường Lam Sơn, TH Truemilk, Tập đoàn Việt – Úc… Hiện nay, đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, từ Nhật Bản, Hàn Quốc… và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, đầu tư từ đối tác nước ngoài vào nông nghiệp cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ngành nông nghiệp đã và đang tích cực thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA); trao đổi kinh nghiệm xây dựng và chuyển giao công nghệ giúp ngành nông nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình tiếp cận nền khoa học tiên tiến, trình độ lãnh đạo và quản lý kinh tế hiện đại, nhất là trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Công tác thu hút vốn ODA được tích cực đẩy mạnh.

Tiến sĩ Hồ Thanh Thủy cũng cho biết, tính đến hết năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt nhiều dự án được đề xuất hoặc có chủ trương đầu tư với tổng vốn vay 840 triệu USD. Bộ cũng phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị 14 đề xuất dự án mới với tổng vốn 3,2 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, ngành nông nghiệp đã huy động được 300 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại trong 5 năm tới; ngoài ra đã phê duyệt 15 dự án trị giá 25 triệu USD của các tổ chức phi chính phủ.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích