Ngộ độc bánh mì: Kết quả xét nghiệm 3 mẫu bệnh nặng nhiễm khuẩn E.coli

Đến thời điểm này, số người bị ngộ độc bánh mì xảy ra ở thành phố Long Khánh (Đồng Nai) đã lên đến 530 người. Có người đã khỏe, có người vẫn đang bệnh nặng do nhiễm E.coli…Nhiều ngành, nhiều người lại dốc sức đi tìm nguyên nhân ngộ độc bánh mì và quy trách nhiệm.

Ngộ độc bánh mì bước đầu xác định là do nhiễm khuẩn E.coli

Theo lãnh đạo UBND thành phố Long Khánh, số ca nhập viện sau khi tăng liên tục những ngày qua nay đã có dấu hiệu giảm mạnh. Hiện chỉ còn vài trường hợp triệu chứng nhẹ đến bệnh viện kiểm tra rồi về nhà theo dõi. Ca nặng nhất là bé trai 6 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn hôn mê sâu, nước tiểu còn ít, tiếp tục thở máy và lọc máu. Ca nặng thứ hai là bệnh nhi 7 tuổi đang điều trị Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện sức khỏe tiến triển, có phản xạ ho, có lúc mở mắt tự nhiên (các phản xạ nhiều hơn). Còn 11 trường hợp nặng khác tạm ổn.

Hiện hồ sơ vụ việc đã chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý. “Sau khi có kết quả điều tra, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì thành phố sẽ xử lý vi phạm hành chính”, đại diện UBND thành phố Long Khánh nói.

Thông tin về các ca bệnh, bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, kết quả xét nghiệm máu 3 bệnh nhi nặng nhiễm khuẩn E.coli. Đây là vi khuẩn thường xuất hiện trong sản phẩm tươi sống, thịt bò, sữa tươi, nước trái cây, phô mai, trái cây và rau sống… Các triệu chứng khi mắc E.coli thường là buồn nôn và nôn, tiêu chảy ra nước hoặc máu tùy vào loại E.coli.

Những triệu chứng trên xuất hiện sau khi các bệnh nhân ăn bánh mì bán tại tiệm Băng ở phường Xuân Bình hôm 30/4. Ngày này, tiệm bán ra 1.100 ổ bánh mì, theo chủ tiệm. Hôm sau, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc, nhập viện cấp cứu với chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.

Làm việc với cơ quan chức năng, chủ tiệm bánh mì cho biết nguyên liệu, thực phẩm mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, do tiệm tự chế biến, không có hợp đồng mua bán. Đoàn kiểm tra liên ngành niêm phong tủ cấp đông tại cơ sở, trong đó chứa khoảng 15 kg đồ chua, 1 kg thịt heo đã qua chế biến, 1 kg chả lụa, 4 khay pate trọng lượng 10 kg.

 Bước đầu tìm ra khuẩn E.coli trong 3 mẫu bệnh phẩm nặng. Ảnh: Tuổi Trẻ

Và câu chuyện quản lý các ổ bán bánh mì

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, ở Việt Nam ổ bánh mì (kẹp thịt, chả, trứng…) là hiện thân của thức ăn đường phố. Hợp túi tiền, dễ mua, dễ ăn… nên nó nhan nhản ở hàng trăm con đường dẫn vào các khu công nghiệp, nhà máy trên cả nước. Nhưng ai dám chắc những nguyên liệu bơ, chả, thịt, đồ chua… trong ổ bánh mì đó đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được lưu mẫu ở các điểm bán hàng, cơ sở kinh doanh?

Ngành y tế quy định thức ăn chế biến phải lưu mẫu, có nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu chế biến nhưng sau khi cấp giấy chứng nhận có bao nhiêu cơ sở kinh doanh được chính quyền giám sát, kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào?

Chỉ sau khi vỡ lở các vụ ngộ độc, câu trả lời ở y tế cơ sở vẫn là thiếu người, thiếu kinh phí, năng lực xét nghiệm hạn chế, cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định… nên vẫn còn xảy ra ngộ độc.

Từ vụ ngộ độc ở Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện cảnh báo số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều và cần tìm giải pháp để chấn chỉnh. Riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người bị ngộ độc và làm 28 người tử vong…

Trước vụ việc trên ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đề nghị, cơ quan chức năng Đồng Nai nhanh chóng truy nguồn gốc thực phẩm để xác định nguyên nhân gây ngộ độc gần 500 người nhằm có phác đồ điều trị phù hợp.

Ông Long đánh giá sự việc ngộ độc tập thể khi ăn thực phẩm không phải mới mà thời gian qua đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt khi thời tiết nắng nóng oi bức, tình trạng ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra nên cần có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Ngoài ra, Bộ Y tế cho rằng địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các cơ sở có “chế biến thực phẩm” như tiệm bánh mì Băng. Cần rà soát lại các cơ sở tương tự, buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, tránh lặp lại vi phạm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngành y tế với vai trò “tư lệnh” ngành phải tính toán lại việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng, người dân. Nếu không quyết liệt chấn chỉnh, giải quyết rốt ráo những lỗ hổng trong quản lý thì những chuyện ngộ độc tập thể vẫn có thể tái diễn bất cứ lúc nào.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích