Ngành tôm được kỳ vọng phục hồi từ quý II/2024

Ngành tôm Việt Nam tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc về cả giá nguyên liệu và hoạt động xuất khẩu. Theo số liệu của WiGroup, giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng tăng mạnh trong 4 tháng qua.

Theo đó, tính đến ngày 23/11, giá tôm thẻ chân trắng trung bình ở mức 98.700 đồng/kg, phục hồi 20% từ mức đáy ít nhất 2 năm thiết lập hồi tháng 7.Giá tôm sú có mức phục hồi chậm hơn trong cùng giai đoạn, khoảng 13% lên trung bình 176.000 đồng/kg.

Những tín hiệu từ thị trường cho thấy hoạt động tiêu thụ tôm đang dần có dấu hiệu cải thiện. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 318 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng.

Hiện chưa có số liệu về kim ngạch xuất khẩu sang từng thị trường trong tháng 10. Tuy nhiên, số liệu trong tháng 9 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng cao nhất là 54%.

Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực khi đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho rằng với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm. Theo đó, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay dự kiến sẽ ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), một trong 5 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, cho rằng thị trường sẽ thực sự bước vào giai đoạn hồi phục từ vào quý II/2024 nhưng với tốc độ chậm.

Tuy nhiên, theo ông, để kỳ vọng vào một cú phục hồi mạnh mẽ thì phải phụ thuộc rất nhiều vào sức bật của nền kinh tế thế giới và mức độ kìm chế lạm phát của các nước ra sao. Ngoài ra, tình hình căng thẳng địa chính trị tại các nước cần hạ nhiệt để nút thắt chuỗi cung ứng trong sản xuất cởi bỏ.

“Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang tình hình phục hồi tất cả ngành, không chỉ ngành tôm sẽ chậm lại thậm chí xấu đi”, ông Lực nhận định.

Nhu cầu được dự báo tăng trong khi nguồn cung thu hẹp tại các nước sản xuất tôm lớn là những nguyên nhân chính khiến giá tôm xuất khẩu và nguyên liệu được kỳ vọng tiếp tục tăng.

Công ty chứng khoán FPTS nhận định rằng nguồn cung tôm từ các nước lớn như Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ đều thu hẹp trong nửa đầu năm sau do trước đó người dân thu hẹp diện tích thả nuôi vì thua lỗ. Trong khi đó, nhu cầu tôm được dự báo sẽ bắt đầu phục hồi từ quý II/2024.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)
Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp).

Ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm tỉnh Bạc Liêu, cho biết giá tôm tăng là tín hiệu đáng mừng, đồng thời kỳ vọng thị trường cuối năm sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng lớn. Tuy vậy, đáng tiếc hiện nay nông dân không còn tôm để bán. Bởi nhiều hộ sợ thua lỗ nên treo ao hoặc thả nuôi ít, một số khác cắt bán tôm cỡ nhỏ để hạn chế thua lỗ.

Ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, mặc dù thị trường đi xuống, tuy nhiên sức mua tôm của thị trường Mỹ đang phục hồi trở lại. Thị trường này kỳ vọng sớm khởi sắc trong năm 2024. Căn cứ để nói điều này bởi lạm phát của Mỹ dần được kiểm soát. Bên cạnh đó, thông tin thị trường và chính sách minh bạch, ổn định góp phần tạo cơ hội thuận lợi khi xuất khẩu tôm sang thị trường này.

Để phát triển xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ ông Phạm Quang Huy đề nghị các doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các đối tác quốc tế nâng cao chất lượng tôm giống. Các đơn vị cần tập trung phát triển các loài tôm bản địa có tính đặc trưng mà đối thủ cạnh tranh không có. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch. Phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh. Tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Mỹ.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngày 2/8, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng trưởng tốt. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) từ tháng 6 đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 16% đạt 67 triệu USD.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), tôm chân trắng chiếm 54,9%, tôm sú chiếm 25,3%, còn lại là tôm khác. 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng lần lượt 1% và 30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng mạnh nhất 66%; xuất khẩu tôm sú chế biến và tôm sú nguyên liệu đông lạnh tăng lần lượt 55% và 29%; xuất khẩu tôm khô tăng mạnh 3 con số với 583%.

Nửa đầu năm 2023, giá trung bình tôm chân trắng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dao động từ 4,9 – 7,9 USD/kg. Trong khi giá trung bình tôm sú của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này dao động từ 8,2 – 13,8 USD/kg.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỉ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch COVID-19.

Theo Thương hiệu Sản phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích