Làm sống lại ký ức về Điện Biên Phủ năm xưa

(Xây dựng) – Tại Lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 34 năm nay, sinh viên Lưu Dĩ Tường của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là một trong ba sinh viên có đồ án tốt nghiệp xuất sắc giành được giải Nhất. Dưới sự hướng dẫn của TS.KTS Vũ Việt Anh, Tường đã mang đến một thiết kế kiến trúc rất đặc biệt tại khu vực Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Làm sống lại ký ức về Điện Biên Phủ năm xưa
Sinh viên Lưu Dĩ Tường, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh bên đồ án.

Khu đất vùng Điện Biên Phủ là khu vực có hệ thống di tích đồi ở phía Đông, bào tàng Điện Biên Phủ, nghĩa trang liệt sỹ Al, kết nối với di tích hầm De Castries thông qua cầu Mường Thanh, cùng công viên 2 bờ sông Nậm Rốm. Khu đất được bao bọc bởi các hộ dân cư thành phố xen kẻ núi đồi.

Các chứng tích trong cuộc chiến năm xưa giờ đã trở thành quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Với hệ thống nhiều di tích, đặc biệt là di tích tập đoàn cứ điểm, Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng, là động lực phát triển của thành phố và của vùng Tây Bắc.

Theo Dĩ Tường, chiến trường Điện Biên Phủ hiện đang nằm rời rạc, bị cô lập bởi các hộ dân sinh, bị tách ra thành các điểm di tích nhỏ, rất khó tiếp cận. Một số điểm di tích đang bị mai một và dần đi vào sự lãng quên trong cộng đồng.

Làm sống lại ký ức về Điện Biên Phủ năm xưa
Thiết kế tổng thể cảnh quan đồ án.

Từ lý do đó, Tường mong muốn thực hiện đồ án thiết kế một con đường di tích giúp nối liền các điểm di tích, tạo thành một bức tranh Điện Biên Phủ tổng thể. Con đường kết nối ấy sẽ mô phỏng tiến trình hành quân của quân đội ta từ Đông sang Tây, từ chân đồi lên đỉnh đồi, giúp người tham quan cảm nhận được rõ nhất về trận địa Điện Biên Phủ năm 1954 và thời điểm người dân đang khôi phục lại cuộc sống.

Nói về điểm đặc biệt của đồ án, Tường cho biết, đó chính là con đường kết nối di tích, tạo nên mối quan hệ lồng ghép giữa các điểm di tích và các hộ dân sinh để họ tham gia vào các hoạt động di tích, từ đó nâng cao đời sống tinh thần cho người dân miền núi. Định hướng cấu trúc tuyến kết nối di tích chính là mô phỏng hướng tiến quân và cách tiếp cận từng cứ điểm.

Theo đồ án, có 3 vùng không gian cảnh quan chính gồm không gian hào hùng – thương đau, không gian hội tụ – lan tỏa và không gian vươn lên – khát vọng. Kiến trúc công trình trong khu đất chính là sự dung hòa của yếu tố đô thị và thiên nhiên, trong đó gợi lên yếu tố lịch sử, mang dấu ấn đặc trưng của Điện Biên Phủ.

Về triển khai cây xanh, chủ yếu giữ lớp cây hiện trạng, sử dụng hoa ban và hoa phượng làm điểm nhấn; dùng cây có độ phủ bóng cao gợi khung cảnh yên bình sau chiến tranh. Về vật liệu ốp lát, tác giả sử dụng linh hoạt nhựa đường, thép gỉ, đá chẻ, bê tông sỏi rửa, đá granite đen, đất đỏ, nhôm, gỗ…; đề xuất kè ven sông Nậm Rốm vốn là kè bê tông cũ bằng kè sỏi đá vào mùa lũ, sử dụng lớp cây bụi khi vào mùa khô…

Làm sống lại ký ức về Điện Biên Phủ năm xưa
Phối cảnh một cảnh quan bên trong di tích.

Để thực hiện thành công đồ án, Dĩ Tường đã gặp phải nhiều khó khăn, thử thách. Tác giả chia sẻ, trong số đó, điều khó khăn nhất chính là khoảng cách đi lại từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Điện Biên Phủ để nghiên cứu. Hệ thống đường bộ với địa hình núi cao khiến cho việc di chuyển từ các tỉnh thành khác đến thành phố Điện Biên Phủ không dễ dàng. Đồng thời quy mô thực hiện đồ án lại nằm trên nhiều loại địa hình khác nhau, do đó việc tiếp cận càng trở nên khó khăn hơn. Một số điểm di tích có quá ít thông tin lịch sử để tìm hiểu, phân tích.

“Khi biết được việc tôi thực hiện đồ án, chính quyền tại tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ tôi. Và điều đặc biệt là ông của thầy hướng dẫn tôi cũng chính là người chiến sỹ Điện Biên năm đó, thầy và ông đã cùng trợ giúp tôi nên việc triển khai đồ án trở nên thuận lợi hơn”, Tường cho biết.

Chia sẻ về giải thưởng nhận được tại Lễ trao giải Loa Thành năm nay, sinh viên Lưu Dĩ Tường cảm thấy tự hào và vinh dự khi được nhận giải cao nhất. Trong tương lai, Tường mong muốn đồ án của mình như một tiếng nói nhỏ để giúp cộng đồng xây dựng được những khu di tích ngày càng phát triển và trường tồn theo thời gian.

Làm sống lại ký ức về Điện Biên Phủ năm xưa
Bản đồ tổng thể kiến trúc cảnh quan di tích Điện Biên Phủ.

Đồ án của sinh viên Lưu Dĩ Tường được Hội đồng chuyên ngành đánh giá cao. Các nội dung được thể hiện bài bản, cho thấy tác giả có khả năng tổng hợp, phân tích, nghiên cứu với quy mô toàn diện các khía cạnh về lịch sử văn hóa, điều kiện tự nhiên, thực trạng phát triển của khu vực.

Ý tưởng hình thành con đường kết nối di tích được thực hiện bởi các thủ pháp về thiết kế cảnh quan. Tác giả đã tái tạo từng không gian di tích riêng lẻ (đang bị cô lập) trở thành một quần thể sống động. Nhiều giải pháp về thiết kế kiến trúc cảnh quan được nghiên cứu rất chi tiết có tính nhân văn và đều có tính khả thi.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích