Kỳ cuối: Tăng “đề kháng” – việc không thể chậm trễ!

Củng cố “mặt trận” tư tưởng

Có thể nói, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến “mặt trận tư tưởng” này. Hơn 10 năm trước, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Chỉ thị 01/CT-TLĐ ngày 22/9/2009 về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới” và Nghị quyết 04/NQ-TLĐ ngày 27/12/2010 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”. Năm 2013, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 79-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, trong đó giao Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng Đề án “Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”.

Năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng Liên đoàn và cấp nhà nước về “Giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Việt Nam hiện nay”. Thời điểm đó, đề án đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030 có trên 75% công nhân lao động, trong loại hình doanh nghiệp nhà nước được tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng đạo đức, tác phong lao động công nghiệp; đến năm 2030 có từ 55% cán bộ công đoàn cơ sở và 35% đoàn viên công đoàn, công nhân lao động tích cực, nòng cốt được học tập từ sơ cấp đến trung cấp lý luận chính trị.

Giúp người lao động nâng cao kiến thức
Công nhân lao động tiếp cận kiến thức tại thư viện Công đoàn của Công ty TNHH Panasonic Industrial Devices Việt Nam.

Ngày 13/2/2015, Chính phủ ban hành Quyết định số 231/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Mục tiêu, phấn đấu 70% công nhân lao động được nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những kiến thức chính trị cơ bản; được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân lao động. Tổ chức cho công nhân lao động học các chương trình sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị hoặc cao hơn phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Như vậy, trong bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ và kinh tế tri thức có những bước phát triển mạnh mẽ, Đảng, Nhà nước cũng xác định nhiệm vụ rèn luyện giai cấp công nhân không chỉ là giai cấp của những người “lao động chân tay” mà hướng tới những “công nhân trí thức”. Tuy nhiên, để tiến dần đến mục tiêu chuyển từ “công nhân áo xanh” sang “công nhân áo trắng”, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng công nhân lao động sẽ là một quá trình bền bỉ.

Chia sẻ với phóng viên về nội dung này, ông Võ Mạnh Sơn – Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa – cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân phải được tiến hành thường xuyên, bám sát thực tiễn. Bên cạnh đó, cần gắn công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động với việc động viên về mặt vật chất, tinh thần đối với công nhân lao động chấp hành tốt nội quy và kỷ luật lao động, có ý chí phấn đấu, rèn luyện nâng cao lập trường tư tưởng, có ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thì việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị cho công nhân lao động, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị cho giai cấp công nhân là vấn đề cấp bách…

Kỳ cuối: Tăng “đề kháng” - việc không thể chậm trễ!
Theo Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân phải được tiến hành thường xuyên, bám sát thực tiễn.

Tăng cường, đổi mới phương pháp

Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh bằng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho giai cấp công nhân; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục giác ngộ giai cấp chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội đồng thời thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn mới.

“Công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, về giai cấp, về tổ chức Công đoàn, trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua,… để đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước; từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình” – (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII).

Trên thực tế, theo ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, thời gian qua, LĐLĐ Thành phố thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Thành phố có liên quan đến công tác đảm bảo an ninh quốc gia. Các cấp Công đoàn phối hợp với lực lượng Công an cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô; tích cực, chủ động trong nhận diện, đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; phát hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để ngăn ngừa và khắc phục tác động mặt trái của kinh tế – xã hội đến sự phát triển của giai cấp công nhân nước ta, phải coi trọng, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân. Trong đó, trọng tâm là thực hiện hiệu quả chính sách tạo việc làm; cải tiến chính sách tiền lương để công nhân bảo đảm cuộc sống; phát huy dân chủ và nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn bảo đảm công bằng, bình đẳng cho người lao động.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, bên cạnh việc chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc tăng cường nắm bắt tình hình, tư tưởng của công nhân lao động để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho công nhân lao động về các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội… Đồng thời, phối hợp lực lượng Công an đến từng doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân, tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động “tín dụng đen”. Qua đó, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tự phòng tránh, giữ gìn an ninh trật tự, giúp công nhân lao động cảnh giác với các loại tội phạm, không để bị lôi kéo, vướng mắc vào các tệ nạn xã hội.

Mặt khác, thời điểm này là lúc cần đổi mới hoạt động công đoàn, để nâng cao hiệu quả của tổ chức Công đoàn, đại diện quyền lợi cho người lao động, giải quyết kịp thời các tranh chấp. Nhất là khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có những yêu cầu trong quá trình hội nhập như việc cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đổi mới, xây dựng tổ chức vững mạnh, hoạt động hiệu quả, thực sự là chỗ dựa, là người bảo vệ quyền lợi cho công nhân lao động. Tăng cường phát huy hiệu quả tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, đoàn thể, chính quyền với công nhân, kịp thời giải quyết nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của công nhân.

ĐANG TRỰC TUYẾN: Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen
Một buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo công nhân lao động.

Đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, quyết định, đề án của Đảng, Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam về tuyên truyền, giáo dục cho công nhân lao động. Bên cạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, cũng cần quan tâm bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở làm hạt nhân, nòng cốt. Nội dung tuyên truyền, giáo dục cần dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhu cầu, lợi ích, tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của công nhân.

Hiện nay, truyền thông số bùng nổ, phải tranh thủ được sức mạnh của mạng xã hội, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp công nhân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động.

Nỗ lực trong đổi mới nội dung, linh hoạt hình thức, phương pháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, là nội dung quan trọng xây dựng một đội ngũ công nhân giác ngộ cao, có kỷ luật, có lòng yêu nước và tinh thần cống hiến vì Tổ quốc.

Để kết thúc loạt bài, chúng tôi xin dẫn lời phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định việc phải “tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại”.

“Các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cần đa dạng, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với các phương thức, hình thức truyền thống, nhất là đi sâu, đi sát, cùng làm việc, sinh hoạt, chia sẻ, vận động đoàn viên, người lao động. Đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, người lao động; nhất là việc kiên trì, sáng tạo trong tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động; xây dựng các mô hình phù hợp, kịp thời phát hiện và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

“Đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến để các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn các công ước quốc tế liên quan đến lao động, công đoàn” – (Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới).
Tuấn Anh – Đỗ Đạt – Mai Quý

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích