Kỳ 2: Pháp luật đã “gần” với người lao động

Họp bất thường để quyết định hỗ trợ người lao động

Cùng với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, nhằm giúp các doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực tái sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15, với 4 giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…

Bên cạnh đó, để hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp và người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp bất thường để xem xét ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Kỳ 2: Pháp luật đã “gần” với người lao động
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường, biểu quyết thông qua chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh: QH

Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bằng việc ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng 30.000 tỷ đồng từ phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống bằng 0% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Được thấu hiểu và sẻ chia

Chính sách hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp được triển khai thực hiện với hàng triệu người lao động được hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, sau ngày 31/12/2021 (thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ theo quy định), vẫn còn hơn 414 nghìn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, đã nộp hồ sơ nhưng chưa được chi trả.

Kỳ 2: Pháp luật đã “gần” với người lao động
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Đây là các trường hợp nộp hồ sơ vào những ngày cuối cùng của thời hạn theo quy định (ngày 20/12/2021), do có diễn biến quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp phức tạp; thông tin về quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp; nhân thân của người lao động còn chưa chính xác…

Từ đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH, cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng cho hơn 414 nghìn người lao động đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ theo quy định… Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người lao động và cả người sử dụng lao động để vượt qua đại dịch Covid-19.

Với không ít người lao động, vì nhiều nguyên do khác nhau mà hoàn thành hồ sơ sát ngày hết hạn chi trả, đều mang nỗi lo không được giải quyết quyền lợi. Thế nên, việc tiếp tục trả hỗ trợ là sự động viên không nhỏ với họ. Nhớ lại thời điểm đó, anh Nguyễn Văn Lực, công nhân Công ty TNHH in Thịnh Phát (Hà Nội) cho biết: Số tiền hỗ trợ tuy không lớn, nhưng vào thời điểm dịch bệnh khó khăn, Nhà nước quyết định giảm học phí cho học sinh, hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động… và kéo dài thời gian chi trả hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, khiến người lao động chúng tôi cảm thấy được thấu hiểu và sẻ chia rất lớn.

Nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Nghị quyết không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động mà còn góp phần hỗ trợ nền kinh tế nói chung rất tốt. Việc tiếp tục cho phép chi trả hỗ trợ nhằm bảo vệ và chăm lo quyền lợi và sự công bằng giữa những người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ.

Các chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn đánh giá cao vai trò đồng hành của Quốc hội trong xây dựng, ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các chính sách hỗ trợ người lao động.

Kỳ 2: Pháp luật đã “gần” với người lao động
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn đánh giá cao vai trò đồng hành của Quốc hội trong xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ, nỗ lực ứng phó với những diễn biến khó lường của tình hình trong nước và quốc tế, đưa ra những quyết sách đúng đắn, bước đầu đem lại hiệu quả khi các chỉ số tăng trưởng đều ở mức cao. Các chính sách được ban hành cơ bản phù hợp với diễn biến và tác động của dịch bệnh Covid-19, được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau tác động của dịch bệnh Covid-19, cũng như tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.

“Các chính sách đưa ra đã được tính toán kỹ lưỡng, không ảnh hưởng lớn đến các cân đối lớn của nền kinh tế, sự an toàn tín dụng của hệ thống ngân hàng, các chỉ số kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, nhưng vẫn duy trì dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo”, ông Sơn nói.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội – ông Nguyễn Văn Hà nhìn nhận, Quốc hội đã xây dựng, ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động. Trong đó không thể không nói đến như chính sách về tiền lương, nhà ở xã hội, bảo hiểm xã hội… Đây là những chính sách đặc biệt quan trọng để tháo gỡ cho doanh nghiệp, thực hiện cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn, đảm bảo tính khả thi để các chính sách hỗ trợ kịp thời phát huy hiệu quả.

Kỳ 2: Pháp luật đã “gần” với người lao động
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng chương trình hỗ trợ, phục hồi được thực hiện nhanh hơn trong năm 2023.

Trải qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH1, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho hay, nhiều doanh nghiệp vẫn kỳ vọng chương trình hỗ trợ, phục hồi được thực hiện nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, kịp thời hơn nữa trong năm 2023 này.

Theo ông Tuấn, có những chính sách được ban hành rất nhanh đi vào cuộc sống ngay như các chương trình tài khoá, giảm giãn thuế và các khoản phải nộp, nhưng có những chính sách phải khá lâu sau mới đi vào thực hiện như hỗ trợ lãi suất 2%, hay các chương trình đầu tư hạ tầng thuộc gói hỗ trợ phục hồi.

“Doanh nghiệp cũng kỳ vọng một số chính sách quan trọng, hiệu quả đã chứng minh trong năm 2022 vừa rồi tiếp tục được gia hạn trong năm 2023 này như chương trình giảm 2% thuế VAT cho phần lớn các hàng hoá, dịch vụ”, ông Tuấn cho biết.

Chính sách, pháp luật rất gần!

Anh Đinh Minh Quyền – Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, chuyên viên Pháp chế Công ty CP Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín cho biết, Công ty anh làm việc có đến hơn 75% là lao động phổ thông. Trước đây, việc người lao động quan tâm đến các chính sách, pháp luật là rất hạn hữu.

Nhưng trong những năm gần đây, đặc biệt trong và sau thời gian dịch bệnh, người lao động đã ngày càng quan tâm, chủ động nắm bắt và tìm hiểu các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về lao động, về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội. Thông qua các buổi sinh hoạt Công đoàn, công nhân lao động trong Công ty có những phản hồi rất tích cực, ủng hộ với nhiều quy định, các chủ trương chính sách về lao động.

Kỳ 2: Pháp luật đã “gần” với người lao động
Anh Đinh Minh Quyền cho rằng Hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực sự đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân, trong đó có công nhân lao động.

“Là cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp, tôi thấy hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua ngày càng hiệu quả, kịp thời và sát với thực tiễn, đặc biệt, liên quan đến lĩnh lực lao động. Đơn cử như việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đã làm cho không chỉ bản thân tôi là một người thường xuyên phải nắm bắt các quy định của pháp luật, mà tất cả người lao động tại Công ty cảm thấy chưa bao giờ các quy định, chính sách của pháp luật lại gần với mình đến như vậy.

Chúng tôi thực sự nhận thấy được sự đồng hành, hỗ trợ đến từ cơ quan đại biểu, đại diện cao nhất của người dân. Hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực sự đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân, trong đó có công nhân lao động”, anh Quyền nói.

Riêng đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn, anh Quyền cho rằng, các chính sách được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và ban hành luôn là cơ sở, tiền đề cho tổ chức và hoạt động của Công đoàn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, khi bàn về các Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Quốc hội, cụ thể là các vị đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm, sát sao và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên lao động, cũng như cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở. Một số vấn đề cụ thể được nêu ra như việc Công đoàn sẽ không chỉ được tổ chức và đại diện cho người lao động làm việc trong khu vực chính thức như hiện nay mà sẽ mở rộng ra cả khu vực phi chính thức. Nếu nội dung này được hiện thực hóa, anh Quyền cho rằng, sẽ mang lại cho tổ chức Công đoàn một sức sống mới, góp phần đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp cho người lao động…

(Còn nữa)

Hải Lý

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích