Kỳ 1: Giấc mơ an cư vẫn là bài toán khó

Dù cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chất lượng công trình không đảm bảo nhưng nhiều công nhân lao động vẫn chọn sống tạm trong những dãy nhà trọ cũ kỹ. Với họ, đồng lương ít ỏi nhưng phải gánh nhiều chi phí cộng với chính sách về nhà ở chưa được triển khai mạnh mẽ khiến giấc mơ an cư để tập trung lao động sản xuất vẫn còn rất xa vời.

Méo mó nhưng… “có vẫn hơn không”

“Không có nhà riêng ở Hà Nội, chúng tôi cũng chẳng dám mong gì hơn ngoài một phòng trọ là chỗ đi ra đi vào”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Nga (quê Lào Cai, công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) khi chỉ vào căn phòng trọ khoảng 15m2 tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh).

Kỳ 1: Giấc mơ an cư vẫn là bài toán khó
Vì tiết kiệm chi phí, đa phần công nhân lao động thuê trọ những căn phòng cấp bốn, mái lợp fibro xi măng, mùa mưa ẩm ướt, mùa hè nóng bức, thiếu thốn các điều kiện đảm bảo an toàn.

Chị Nga là lao động có thâm niên lâu năm tại Khu công nghiệp này. 10 năm gắn bó với công xưởng, cũng là 10 năm chị đi về trong những xóm trọ công nhân.

Căn phòng hiện tại chị đang ở là một căn phòng cấp 4, mái lợp fibro xi măng, may mắn là có vệ sinh riêng trong phòng. Vợ chồng chị khéo léo sắp xếp khu nấu ăn, một chiếc giường, tủ quần áo, trừ một lối đi lại và để xe. “Có những hôm trời nóng không ngủ được, hoặc mùi đồ ăn ám quanh phòng vì diện tích nhỏ. Nhưng để tiết kiệm chi phí thì chúng tôi chấp nhận vậy”, chị Nga nói.

Nhìn không gian xung quanh phòng chị Nga, dãy trọ có chừng 8 phòng với thiết kế giống nhau, phục vụ nhu cầu ở cho khoảng 20 người, cả người lớn lẫn trẻ em. Hai dãy phòng đối diện nhau qua khoảng sân chung nhỏ, với những sào quần áo phơi ngay trên hành lang. Chập choạng tối, ánh đèn trong những căn phòng trọ chừng hơn chục mét vuông bắt đầu bật lên xen lẫn ánh lửa bập bùng của bữa cơm chiều.

Theo lời kể của chị Nga, giống như bao cặp vợ chồng công nhân khác, trung bình thu nhập của hai vợ chồng chị khoảng 15 triệu/tháng để nuôi gia đình. Để có nhiều tiền gửi về cho con ở quê, vợ chồng chị chi tiêu rất tằn tiện, tuy nhiên co kéo mãi mới dư được chừng 3-4 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi đến các dự án nhà ở xã hội, chị Nga lắc đầu ngao ngán cho biết chưa thể tiếp cận được bởi chính sách, thủ tục còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều đồng nghiệp nói việc chờ xét hồ sơ rất khó và lâu khiến chị càng thêm “nản lòng”. Chỉ nhẩm nhanh, với vài triệu để ra một tháng, chị cũng không biết đến bao giờ mình có thể mua được căn nhà ở thành phố.

Ở xóm trọ công nhân, những hoàn cảnh giống vợ chồng chị Nga nhiều vô kể. Chị Nga cho biết, đa số công nhân đều thích thuê nhà. Những người công nhân này đều chỉ dự định làm một thời gian, khi có số vốn ổn định sẽ về quê làm ăn sinh sống, bởi gia đình, con cái ở quê hết. Theo lời kể của chị Nga, hầu hết đồng nghiệp đều lựa chọn trọ ngoài như chị.

Chính nhờ nhu cầu rất lớn của công nhân, cách Khu công nghiệp Bắc Thăng Long một đoạn ngắn là lối vào “thủ phủ” nhà trọ công nhân tại thôn Bầu, Hậu Dưỡng… Càng đi vào sâu, ngõ ngách tủa ra càng nhiều, các xóm trọ hiện ra rõ nét với đủ phân khúc. Người dân ở đây cho biết, cứ 10 nhà thì phải có đến 7-8 nhà làm nhà trọ. Giá thuê trọ ở đây (chưa tính tiền điện nước) thấp nhất là 500 ngàn đồng/tháng, còn cao hơn thì trong khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/tháng. Những căn phòng có thể khác nhau về giá tiền, chất lượng công trình có thể tốt hơn một chút nhưng điểm chung là chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí hàng ngày, không có các thiết chế văn hoá, trường học cho trẻ em… Công nhân không đặt nặng vấn đề nghỉ ngơi, chỉ cần một chỗ ngả lưng nên những điều kiện sinh hoạt như nhà văn hóa, sân chơi thể thao với họ có thể coi như là xa xỉ.

Rời Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, chúng tôi đến với Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Cuối buổi chiều, sau giờ tan ca, thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa trở nên rộn ràng bởi nơi đây có rất nhiều phòng trọ cho công nhân đang thuê. Dọc con đường dẫn vào thôn hai bên hàng quán mọc lên san sát, không khí mua bán sôi động, tấp nập. Đi sâu vào một ngõ nhỏ, không gian như trầm lắng, bớt nhộn nhịp hơn, thay vào đó là sự yên tĩnh đến bởi phía trong là các dãy phòng trọ san sát nhau, đó là nơi các công nhân thuê.

Nhà trọ tại đây được xây dựng khá nhiều với mức giá từ 700 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Đài rời quê từ Yên Bái xuống khu công nghiệp làm việc được hơn 6 năm nay, cũng là từng đó năm anh, chị thuê căn phòng rộng hơn 10m2 làm nơi sinh hoạt của gia đình.

Kỳ 1: Giấc mơ an cư vẫn là bài toán khó
Điểm chung các khu nhà trọ ở khu công nghiệp là hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt vui chơi giải trí hàng ngày, không có các thiết chế văn hoá, trường học cho trẻ em…

Đã có hai con nhỏ đang học tiểu học nhưng anh chị đành gửi con ở quê nhờ ông bà chăm giúp để giảm bớt chi phí chi tiêu dưới Thủ đô. Với thu nhập mỗi người hơn 8 triệu đồng/tháng sau khi chi trả mọi chi phí sinh hoạt từ tiền nhà, điện, nước, tiền ăn… vợ chồng anh luôn tiết kiệm để có thể gửi tiền về quê cho ông bà chăm con.

Đó cũng là thực trạng chung của nhiều công nhân đang thuê trọ tại khu vực này. Kể về hoàn cảnh của các công nhân đang sống tại xóm trọ, anh Phùng Văn Thực (quê Ba Vì) cho hay: “Hầu hết công nhân sống ở đây đều là người tỉnh lẻ, có hoàn cảnh khó khăn, ở quê không có khu công nghiệp nên ra Hà Nội lập nghiệp. Với đồng lương ít ỏi, chi phí sinh hoạt cao nên chúng tôi phải ở trong các phòng trọ nhỏ chứ chẳng dám ở những phòng rộng rãi, lịch sự. Để tiết kiệm chi phí, những công nhân chưa lập gia đình thường ở chung 2-3 người trong căn phòng khoảng 10m2. Mùa đông còn đỡ khổ, mùa hè nắng nóng, phòng chật ngột ngạt, khó chịu nhưng vẫn phải chấp nhận”.

Chứng kiến cuộc sống của chị Nga, anh Thực, chúng tôi lại nhớ tại Diễn đàn Người lao động diễn ra tại phòng họp Diên Hồng, toà nhà Quốc hội do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, anh Nguyễn Việt Anh – đoàn viên Công đoàn Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel đã chia sẻ anh đã chứng kiến nhiều gia đình công nhân 4-5 người ở vẻn vẹn trong hơn 10m2, các con nằm giường, bố mẹ trải chiếu nằm sàn, nhìn vào không ai gọi đó là nhà, mà thực chất chỉ là chỗ ngả lưng; nhiều gia đình không dám cho con ở cùng mà phải gửi về quê. Có công nhân sắp đến ngày sinh nhưng chủ nhà trọ đòi nhà, có bạn giáp Tết, công ty nợ lương không có tiền về quê ăn Tết, nên ở lại, nhưng không đủ tiền trả tiền nhà, bị chủ nhà trọ yêu cầu dọn đi chỗ khác. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, vì các dãy nhà trọ san sát nhau, lại chật hẹp, nhiều phòng trọ nhỏ mà có tới 5-6 người thuê, nên dịch bệnh cũng lây lan nhanh hơn…

Điều kiện nhà ở thiếu thốn trầm trọng

Theo số liệu báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.

Kỳ 1: Giấc mơ an cư vẫn là bài toán khó
Các khu trọ đều thiếu không gian sinh hoạt chung, phòng trọ với diện tích khoảng 10m2.

Riêng Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp và chế xuất, Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc, với 661 doanh nghiệp và khoảng 165.000 lao động (trên 80% là lao động ngoại tỉnh). Thế nhưng, các dự án nhà ở của Thành phố chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu của công nhân lao động, còn lại hơn 70% đang phải thuê nhà trọ trong điều kiện sinh hoạt không được đảm bảo.

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long là nơi được Hà Nội triển khai dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh cách đây khoảng 15 năm. Dự án được thành phố Hà Nội triển khai trên diện tích 20ha, với thiết kế được phê duyệt bao gồm 28 đơn nguyên nhà. Trong đó, có 24 đơn nguyên nhà cao 5 tầng (với 1.084 căn hộ phục vụ 9.168 chỗ ở thuê); 4 đơn nguyên nhà cao 15 tầng (với 448 căn hộ phục vụ 2.352 chỗ ở thuê). Hiện khu nhà ở có khoảng 9.000 công nhân đang sinh sống, tỷ lệ lấp đầy khu nhà ở đạt khoảng 80%. Tuy nhiên qua thời gian dài, hạ tầng kỹ thuật ở khu nhà ở hiện đã xuống cấp không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, gây những bất cập cho người thuê.

Hơn nữa, quỹ nhà ở công nhân là dự án thí điểm với mô hình kiến trúc cũ, đầu tư xây dựng thấp, dẫn tới việc các tòa nhà nhanh xuống cấp, thiết bị hư hỏng nhiều nhưng không được sửa chữa, thay thế kịp thời gây bất cập, bức xúc cho người sử dụng.

Do số lượng doanh nghiệp rất nhiều lên đến 4.000 doanh nghiệp, dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê không đủ cho toàn bộ công nhân tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh. Theo thống kê, có khoảng gần 22.500 công nhân đang thuê trọ trên địa bàn huyện. Riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ; xã Hải Bối có khoảng 4.000 công nhân lao động có trên 300 nhà dân có nhà trọ cho thuê và rải rác ở các xã lân cận như: Kim Nỗ, Đại Mạch, Võng La… Đa phần công nhân lao động đều thuê những căn phòng nhỏ mặc dù vẫn biết ở đó thiếu những điều kiện đảm bảo an toàn về an ninh, phòng chống cháy nổ…

Kỳ 1: Giấc mơ an cư vẫn là bài toán khó
Khu vực bếp được kê trên chiếc bàn tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ngoài ra, tại các khu nhà trọ này, công trình phúc lợi công cộng như trường Mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ công nhân lao động ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Khối trường Phổ thông Trung học còn thiếu, cùng với đó là cơ chế chỉ học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội mới đủ điều kiện được đăng ký thi vào trường Phổ thông Trung học công lập đã gây bức xúc, khó khăn hơn cho người lao động nhập cư khi phải cho con học trường dân lập với chi phí tốn kém, chưa phù hợp mức thu nhập.

Theo khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách – Pháp luật phối hợp Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) thực hiện vào tháng 4/2023, tiền lương cơ bản hàng tháng của người lao động (làm đủ giờ công, ngày công, không bao gồm tiền làm thêm giờ) nhận được trung bình là 6,065 triệu đồng. Với mức lương như vậy, hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội.

Anh Bùi Thế Sơn, công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, cho biết hơn 12 năm qua, gia đình anh sống trong căn phòng thuê tại khu nhà cấp 4 ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung. Khi được hỏi về nhu cầu sở hữu một căn nhà ở xã hội, anh Sơn lo ngại vấn đề lãi suất khi mức lương không đủ.

Tương tự, anh Văn Đình Vinh (công nhân lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long) bộc bạch, rời quê xuống Hà Nội hơn chục năm nhưng với đồng lương công nhân, vợ chồng anh vẫn chưa đủ khả năng mua căn nhà gần nơi làm việc. Dẫu biết nơi anh đang thuê trọ không thực sự đảm bảo an toàn nhưng vì số tiền thuê phù hợp với mức tiền mà gia đình có nên gia đình anh vẫn gắn bó với khu trọ.

Có thể thấy, thiếu nhà ở trong các khu công nghiệp là một trong nhiều nguyên nhân khiến công nhân tìm thuê và mua những căn hộ thiếu an toàn, không bảo đảm điều kiện sống. Rõ ràng, nếu không có giải pháp khắc phục thì đời sống công nhân vẫn sẽ “tạm bợ” như chính chốn đi về của họ sau mỗi giờ làm. Những công nhân, họ đang cống hiến cho Thành phố phát triển, ngoài đảm bảo thu nhập, họ rất cần được tiếp cận mua, thuê những căn nhà đảm bảo các điều kiện an toàn, có vậy Thành phố mới có thể giữ chân công nhân lao động.

Nguyễn Hoa – Phương Ngân

(Còn nữa)

Kỳ 2: Cần thêm những trợ lực để công nhân được sống an toàn

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích