Kịp thời chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội

Ấm lòng người lao động khó khăn

Vợ chồng anh Trần Văn Lâm và chị Lê Thị Huyền (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) vốn sinh sống bằng nghề cắt tóc, gội đầu, cuộc sống khá ổn thỏa cho đến khi dịch bệnh xảy ra. “Trước đây, khi chưa có dịch, mỗi ngày vợ chồng tôi thu nhập từ 200.000-300.000 đồng sau khi trừ tiền thuê cửa hàng. Thế nhưng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, thực hiện Chỉ thị của Ủy ban nhân dân Thành phố về phòng, chống dịch, vợ chồng tôi đã đóng cửa hàng. Ở nhà không có thu nhập, không làm được việc gì khác mà vẫn phải chi phí 5,5 triệu đồng thuê cửa hàng/tháng nên cuộc sống vô cùng khó khăn…” – anh Trần Văn Lâm chia sẻ.

Qua thực hiện rà soát các đối tượng khó khăn được hỗ trợ theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân phường Kiến Hưng đã hướng dẫn vợ chồng anh Lâm, chị Huyền làm đơn đề nghị và được Ủy ban nhân dân quận Hà Đông quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng (mỗi người 1,5 triệu đồng) để trang trải trong lúc khó khăn.

Kịp thời chi trả gói hỗ trợ an sinh xã hội
Người lao động khó khăn nhận hỗ trợ kinh phí tại bộ phận một cửa của quận Hà Đông.

Cùng nhận số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng vào ngày 30/7, anh Hoàng Thế Anh (tổ dân phố 13, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi phải dừng công việc bán hàng ăn từ giữa tháng 5 đến nay do địa điểm tôi bán hàng nằm trong khu vực phong tỏa để phòng, chống dịch. Tôi đã đi tìm công việc khác để làm tạm nhưng chưa tìm được. Vì thế, số tiền trợ giúp từ gói an sinh xã hội tuy không lớn, nhưng đó là nguồn động viên, khích lệ để gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Sáng – Giáo viên Trường Mầm non tư thục Đức Trí, quận Hà Đông cũng xúc động bộc bạch: “Do ảnh hưởng của dịch nên tôi phải nghỉ dạy ở nhà, cuộc sống đã khó khăn, nay không có việc làm lại càng thêm khó khăn, khi được thông báo sẽ được nhận tiền hỗ trợ bản thân tôi cảm thấy rất vui và xúc động trước sự quan tâm của Chính phủ, thành phố Hà Nội đối với các trường hợp như tôi. Đặc biệt hôm nay được nhận số tiền 3 triệu 710 nghìn đồng thực sự là sự động viên lớn giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn trước mắt để ổn định cuộc sống”.

Tiếp tục đưa nguồn hỗ trợ đến với các đối tượng khó khăn

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 12 nhóm chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, thì chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) khó thực hiện nhất. Lý do là vì họ hay thay đổi công việc, nơi làm việc, nên khó xác định chính xác tình trạng việc làm của họ để có sự hỗ trợ cho kịp thời, đúng người, đối tượng.

Để nguồn lực trợ giúp đến sớm với người lao động, 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do với tinh thần chủ động, linh hoạt, thành lập các tổ rà soát đến cấp thôn, làng, khu dân tư, tổ dân phố, qua đó các địa phương bước đầu xác định được số lượng lao động tự do cần trợ giúp và tiến hành tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Trong đó, đến thời điểm này, quận Hà Đông là địa phương đầu tiên đã chi kinh phí từ gói hỗ trợ cho 17 lao động tự do (5 người thuộc phường Kiến Hưng, 15 người thuộc phường Dương Nội).

Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, về thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND, đến nay, toàn Thành phố có hơn 1,47 triệu người lao động đã được tiếp cận, thụ hưởng với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã ra quyết định thực hiện hỗ trợ cho 3.180 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động theo Quyết định 638/QĐ-MTTQ-BTT ngày 29/7/2021 với 3.180 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3.180 tỷ đồng. Đây là chính sách đặc thù cho đối tượng hộ nghèo không quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố

Chia sẻ kinh nghiệm đưa nguồn lực hỗ trợ đến với nhóm lao động tự do, bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Hà Đông cho biết, để giúp cho các đối tượng sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, quận Hà Đông đã vận dụng hết sức linh hoạt trong việc vừa tuyên truyền, vừa ban hành kế hoạch và thu hồ sơ.

Đối với những đối tượng lao động tự do, nhất là những khu vực phong tỏa, các tổ trưởng dân phố đi phát đơn, thu lại và thực hiện chi tại nhà. Đối với lao động có hợp đồng lao động, quận bố trí người trực tại bộ phận Một cửa để tiếp nhận và thực hiện nhận qua hệ thống bưu điện.

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, mặc dù các địa phương đang tích cực triển khai với mục tiêu đưa gói hỗ trợ an sinh xã hội đến với đối tượng thụ hưởng sớm nhất, song công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, đối với quy định về số ngày bị ảnh hưởng của các nhóm đối tượng để được hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh, một số nhóm đối tượng đã có quy định rõ ràng về thời gian bị ảnh hưởng song với nhóm lao động tự do, điều kiện hỗ trợ là “Người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021”, mà không quy định rõ số ngày.

Điều này khiến các địa phương khó xác định trường hợp nào đủ điều kiện hỗ trợ. Bởi trên thực tế, có những lao động tự do bị ảnh hưởng 14 ngày, cũng có những người bị ảnh hưởng liên tục từ đầu tháng 5/ 2021 đến nay, thậm chí lâu hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Thanh, Quyết định số 3642/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần với lao động tự do, nhưng không quy định tối đa số lần đối với một trường hợp bị ảnh hưởng. Vậy một người được hỗ trợ một lần hay nhiều lần, nếu nhiều lần thì cần thêm những tiêu chí gì? Ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy thì nêu thắc mắc, trường hợp phụ nữ mang thai dễ dàng xác định, còn người nuôi con nhỏ lại khó xác định chính xác.

Ví dụ, hai vợ chồng trong một gia đình có một con nhỏ, cả hai đều đủ điều kiện hỗ trợ, nhưng một người làm việc ở huyện Đông Anh, đề nghị hỗ trợ tại Đông Anh, còn một người làm việc tại quận Cầu Giấy, đề nghị hỗ trợ tại Cầu Giấy và đều kê khai nuôi con nhỏ. Vậy trường hợp trùng lặp này phải xác minh thế nào, cơ quan nào thực hiện?

Trước những vướng mắc, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc triển khai các chính sách lớn khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Tất cả những vấn đề vướng mắc, phát sinh, Sở đã tập hợp lại để tìm phương án tháo gỡ.

Nội dung nào thuộc thẩm quyền, Sở sẻ trả lời ngay bằng nhiều hình thức, vấn đề nào cần xin ý kiến chỉ đạo, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bàn bạc và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, cho ý kiến. Trước mắt, các đơn vị, địa phương cần cần tiếp tục nỗ lực đưa chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đến đối tượng thụ hưởng, chi trước cho các đối tượng hội đủ điều kiện được hỗ trợ…để gói an sinh xã hội đến sớm nhất với người lao động khó khăn. /.

Tú Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích