Kiến nghị dành 4% GDP hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19

Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, chịu tác động bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến tháng 10/2021, có 430.000 người đã mắc Covid-19 (chiếm 44% số ca nhiễm cả nước), số người tử vong là 16.600 người (chiếm 75% cả nước), thời gian giãn cách xã hội kéo dài nhất (gần 4 tháng).

Kiến nghị dành 4% GDP hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)

Cũng theo đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh, thời gian giãn cách xã hội, toàn Thành phố chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp của Thành phố). Tức là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm, mất thu nhập trong 4 tháng. Trước những khó khăn này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi: “Vậy doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục?”.

Đề cập nội dung này, đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đoàn tàu kinh tế thành phố Hồ Chí Minh hiện còn nguyên “đầu tàu và toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân dân các toa tàu (8% đã về quê)”. “Như vậy, chúng ta cần kinh phí có thể mua dầu thì đoàn tàu sẽ chạy trở lại. Khi tàu trở lại, bán được vé có tiền thì sẽ có tiền trả nợ. Vậy 288.000 doanh nghiệp và 400.000 hộ kinh doanh cần bao nhiêu tiền hỗ trợ?” – đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đề cập đến nội dung trên, đại biểu thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tuy có số nợ doanh nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ, vốn sản xuất kinh doanh ít… “Vì vậy, chúng tôi dự báo có khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại không cần hỗ trợ, nhưng 80% cần hỗ trợ vốn của Nhà nước để đủ vốn lưu động. Với mức bình quân khoảng 5 tỷ đồng trên doanh nghiệp, 25 triệu đồng trên hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức vay khoảng 440 nghìn tỷ đồng thì chúng ta có thể khởi động hầu hết doanh nghiệp này”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

Cũng theo đại biểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh, việc hỗ trợ để vay được 940 nghìn tỷ đồng thông qua giảm 3% lãi suất vay, tức là chúng ta chỉ phải bù 28.200 tỷ đồng, nếu so với số thuế các doanh nghiệp này đóng góp một năm là 277.000 tỷ đồng thì gấp 9,8 lần so với chúng ta hỗ trợ. Vì thế, với cả nước, đại biểu kiến nghị, cần dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ và đây là vấn đề “đáng làm về mặt xã hội”. Do đó, đại biểu kiến nghị, có thể tính toán sử dụng nguồn đầu tư công chưa dùng hết trong năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp và phòng, chống dịch.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích