Khánh Hoà: Xác định vi khuẩn khiến nhiều học sinh miền núi Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm

Trước đó, Báo Lao động Thủ đô đã đưa tin về việc nhiều học sinh trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hoà) có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm, phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn nghi ngờ do ăn cơm cuộn, cơm nắm được bán hàng rong trước cổng trường Trung học cơ sở Tô Hạp.

Sau khi nhận được tin báo, Đội điều tra ngộ độc thực phẩm huyện Khánh Sơn tiến hành ghi nhận, các ca bệnh đều có triệu chứng lâm sàng chính: Đau bụng, đi cầu phân lỏng nhiều lần, buồn nôn, nôn. Tổng số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm: 74 người (trong đó: 37 học sinh trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, 15 học sinh trường Trung học cơ sở Tô Hạp, 22 trường hợp trong cộng đồng).

Qua nắm bắt thông tin ban đầu từ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân, ghi nhận từ 6 giờ đến 6 giờ 30 sáng ngày 9/4, các cháu học sinh bị ngộ độc có điểm chung là có ăn cơm cuộn, cơm nắm do một người phụ nữ bán hàng rong gần trường Trung học cơ sở Tô Hạp, thức ăn được chế biến sẵn để vào thùng xốp và bán cho các cháu ăn sáng.

Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp nơi có nhiều học sinh phải nhập viện
Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp nơi có nhiều học sinh phải nhập viện vì món cơm cuộn, cơm nắm

Theo thông tin của người nhà bệnh nhân cho biết người phụ nữ bán thức ăn trên có tên Facebook là Quyên Lương. Ngay sau đó, Đội điều tra đã tiến hành liên hệ xác minh được tài khoản Facebook Quyên Lương là bà Bùi Thị Lương (SN 1990) và thông tin bà Lương có bán cơm nắm, cơm cuộn cho các em học sinh trước trường Trung học cơ sở Tô Hạp sáng ngày 9/4 là chính xác.

Vào lúc 12 giờ 15 phút ngày 9/4/, Đội điều tra tiến hành làm việc tại nhà bà Bùi Thị Lương ở địa chỉ: Tổ dân phố Hạp Phú, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa (nơi bà Lương thuê nhà ở).

Theo trình bày của bà Bùi Thị Lương: Hàng ngày, bà Lương chế biến sẵn món ăn cơm cuộn và cơm nắm tại nhà, sau đó bảo quản trong thùng xốp và đem bán gần trường Trung học cơ sở Tô Hạp. Ngày 9/4, bà Lương đã bán hết 114 suất cơm nắm và 28 suất cơm cuộn.

Quy trình chế biến món cơm nắm (gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, xốt Mayonnaise, tương ớt, tương cà): Cho các nguyên liệu vào khuôn nhựa rồi đậy nắp tạo hình, sau đó cho ra miếng rong biển để gói lại, cho vào hộp.

Quy trình chế biến món cơm cuộn (gồm rong biển, cơm, thanh cua, trứng gà chiên, xúc xích chiên, cà rốt xào, dưa leo bào sợi, củ cải muối chua sợi cắt) và nước chấm (tương cà, xốt Mayonnaise, tương ớt), cho các nguyên liệu trên lên miếng rong biển rồi cuộn lại, sau đó cắt ra từng khúc rồi cho vào hộp.

Khánh Hoà: Xác định vi khuẩn khiến nhiều học sinh miền núi Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm
Món cơm cuộn là một trong 2 món do cơ sở bà Lương chế biến gây ngộ độc cho các học sính. (Ảnh: minh hoạ)

Tại thời điểm điều tra, Đội điều tra ghi nhận tại nhà bà Lương không còn mẫu thức ăn cơm nắm, cơm cuộn đã chế biến mà chỉ có mẫu nguyên liệu thực phẩm. Vì vậy, Đội điều tra đã tiến hành lấy 11 mẫu nguyên liệu thực phẩm để phục vụ chế biến cơm nắm, cơm cuộn gồm có: Củ cải muối, xúc xích, rong biển cơm nắm, rong biển cơm cuộn, tương ớt, tương cà, cà rốt, dưa leo, xốt mayonaise, dầu mè, thanh cua.

Theo bà Lương, bà và chồng là ông Bùi Văn Bạn cùng tham gia chế biến thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, lúc bắt đầu hoạt động chế biến thức ăn và bán thực phẩm hàng rong từ cuối tháng 8/2023 đến nay, bà Lương và chồng chưa bao giờ khám sức khỏe, chưa tham gia các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm mà chủ động tự tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phẩm qua mạng internet.

Tất cả các mẫu nguyên liệu thực phẩm để chế biến cơm nắm, cơm cuộn và mẫu bàn tay, mẫu phân người lành mang trùng được gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm.

Ngoài ra, tại cơ sở của bà Lương còn một số nguyên liệu thực phẩm dùng để chế biến cơm nắm, cơm cuộn như rong biển để chế biến cơm cuộn còn nguyên, không có nhãn mác tiếng Việt, được bà Lương mua qua Facebook của tài khoản “Rong biển cuộn cơm Yaky Sushi Nori Kwangcheonkim 100 lá”, không có hóa đơn, chứng từ; 7 bịch rong biển còn nguyên và 2 bịch rong biển đã dùng một ít, không có nhãn mác được dùng để chế biến cơm nắm, được bà Lương mua qua Facebook của tài khoản “An Lạc Viên”, không có hóa đơn, chứng từ; cùng một số nguyên liệu rau củ mua ở chợ…Để phục vụ công tác điều tra, Đội điều tra đã tiến hành niêm phong tất cả các nguyên liệu thực phẩm còn lại tại cơ sở.

Qua kết quả điều tra cá thể các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, có điểm chung là đều ăn cơm nắm, cơm cuộn do bà Bùi Thị Lương bán hàng rong trước trường Trung học cơ sở Tô Hạp vào sáng ngày 9/4; ngoài ra không có bữa ăn chung khác.

Vì vậy, xác định bữa ăn nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm là bữa ăn sáng lúc 6 giờ – 6 giờ 30 phút ngày 9/4.

Theo kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Pasteur Nha Trang: Mẫu rong biển cơm cuộn phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus (3,9.102 CFU/g) và phát hiện chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin.

Các mẫu nguyên liệu: Củ cải muối, xúc xích, rong biển cơm nắm, tương ớt, tương cà, cà rốt, dưa leo, xốt mayonnaise, dầu mè, thanh cua: Không phát hiện vi khuẩn.

Kết quả phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus (3,9.102 CFU/g) và phát hiện chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin trên mẫu rong biển cơm cuộn, kết quả này phù hợp với kết quả mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cũng dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus.

2/2 mẫu bàn tay người chế biến thức ăn (bà Bùi Thị Lương và ông Bùi Văn Bạn) không phát hiện vi khuẩn.

Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm (mẫu phân, chất nôn) của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm ngày 9/4, được lấy mẫu tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, có 7/9 mẫu dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus. Kết quả điều tra cho thấy có đến 75,5 % ca bệnh được điều tra có thời gian ủ bệnh từ 1 – 6 giờ, phù hợp với ủ bệnh của vi khuẩn Staphylococcus aureus. Vì vậy, có thể nhận định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn Staphylococcus aureus).

Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Khánh Hoà cũng kiến nghị cơ quan Công an, Sở Công Thương, Cục Quản lí Thị trường phối hợp, xử lí vi phạm đối với tài khoản Facebook “Rong biển cuộn cơm Yaky Sushi Nori Kwangcheonkim 100 lá” và tài khoản Facebook “An Lạc Viên”, những nơi đã bán sản phẩm rong biển cơm cuộn và rong biển cơm nắm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn sản phẩm theo đúng quy định cho bà Bùi Thị Lương (cơ sở gây ngộ độc thực phẩm).

Hương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích