Indonesia: Núi lửa Ruang phun trào, hơn 12.000 người phải sơ tán

Indonesia: Núi lửa Ruang phun trào, hơn 12.000 người phải sơ tán

Ngày 1/5, hàng trăm cư dân trên đảo Tagulandang của Indonesia đang chờ sơ tán tại cảng của hòn đảo, trong khi khói xám tiếp tục phun ra từ núi lửa Ruang.

Cơ quan khí tượng quốc gia Indonesia (BMKG) công bố bản đồ vào sáng 1-5 cho thấy tro núi lửa đã lan tới tận miền Đông Malaysia trên đảo Borneo, nơi giáp ranh 3 nước Malaysia, Indonesia và Brunei.

Theo thông báo từ nhà cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu nhà nước AirNav Indonesia, sự lan rộng của tro núi lửa đã buộc 7 sân bay phải đóng cửa, trong đó có sân bay lớn nhất tỉnh Manado. Chính quyền địa phương phải sơ tán hơn 12.000 người khỏi đảo Tagulandang gần đó.

Núi lửa Ruang nằm ngoài khơi đảo Sulawesi ở Indonesia tiếp tục phun tro bụi và dung nham vào sáng 30/4. Đây là lần phun trào thứ 2 kể từ đợt phun trào trước đó nửa tháng khiến hàng trăm người sơ tán và sân bay đóng cửa.

tm-img-alt
Núi lửa Ruang nằm ngoài khơi đảo Sulawesi ở Indonesia tiếp tục phun tro bụi và dung nham vào sáng 30/4. (Nguồn: Reuters)

Một tàu cứu hộ và một tàu chiến đã được điều động để giúp đưa hàng ngàn người từ đảo Tagulandang lân cận tới đảo Siau vì có cảnh báo về một phần núi lửa rơi xuống biển, có khả năng gây ra sóng thần.

Trung tâm giảm nhẹ hiểm họa địa chất và núi lửa quốc gia (PVMBG) đã nâng mức cảnh báo lên cao nhất và kêu gọi người dân không đến gần khu vực xảy ra thiên tai.

Ngọn núi lửa nằm trên đảo Ruang, cách thủ phủ Manado của tỉnh Bắc Sulawesi khoảng 100 km. Trong đợt phun trào thứ nhất ngày 16/4, hầu hết trong số hơn 800 người dân sinh sống trên đảo đã được sơ tán, sân bay Manado tạm thời bị đóng cửa, trong khi nhiều ngôi nhà bị hư hại do đất đá và tro bụi rơi xuống. Cơ quan chức năng vừa hạ cảnh báo xuống mức 3 vào tuần trước, trước khi tăng trở lại cấp 4 vào sáng 30/4.

Đảo Ruang cách Manado – thủ phủ tỉnh Bắc Sulawesi ở khu vực Trung Bắc của quần đảo Indonesia rộng lớn – khoảng 100 km.

Indonesia nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, khu vực giao điểm của nhiều mảng kiến tạo và có hoạt động địa chấn mạnh.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích