Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh

(Xây dựng) – Ngày 1/4, tại thành phố Hạ Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” với chủ đề “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, nói về lý do chọn Quảng Ninh để tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá: Thời gian qua, Quảng Ninh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển ngành Thủy sản, đưa ngành này dần trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển. Với sự đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, ở Quảng Ninh đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 hợp tác xã được thành lập trong vòng 2 năm; có những mô hình độc đáo kết hợp nuôi biển công nghệ cao với du lịch trải nghiệm. Biển Quảng Ninh ngày càng sạch hơn, đẹp hơn, trong thời gian gần đây, cá heo liên tục xuất hiện ở vùng biển này.

Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh… Tỉnh đã thúc đẩy phát triển thủy sản và nuôi biển một cách nhanh chóng từ năm 2010 trở lại đây. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292ha; trong đó nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha.

Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị nông nghiệp.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu khai mạc Hội nghị.

Triển khai Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ninh đã tích hợp toàn bộ quy hoạch nuôi trồng thủy sản trong lớp bản đồ thuộc Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.

Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (sau đây gọi là nuôi biển) của Chính phủ: “Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn; trọng tâm phát triển nuôi biển là gắn với bảo tồn biển và du lịch quốc gia. Xây dựng các vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung, đáp ứng nhu cầu giống nhuyễn thể cho khu vực và cả nước”.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, Chỉ thị số 13/CT-TU và Chỉ thị số 18-CT-TU và hơn 15 kế hoạch của UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp theo hướng “tăng nuôi trồng, giảm khai thác”, tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế biển. Đồng thời, Quảng Ninh có riêng Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh
Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” thu hút đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, kỳ vọng là cầu nối thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển và hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về biển, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Tỉnh đã quy hoạch 45.246ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại. Trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm.

Kết hợp nuôi trồng hải sản hướng ra biển với khai thác thủy, hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh luôn chân thành mời gọi, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, ổn định để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị, mang đến niềm tin, sự hài lòng và cơ hội thành công, bền vững lâu dài tại địa phương.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh
Nuôi trồng thủy sản trên biển Quảng Ninh (ảnh: N.H).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển, nhất là khi thực trạng ngành Thủy sản tự phát, thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên thiên nhiên.

Nuôi biển phải có sự bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển. Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, chuyên gia quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp của người dân nuôi biển và người dân nuôi biển có sinh kế gắn với nuôi biển.

Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh
Nuôi hàu trên vịnh Bái Tử Long – Quảng Ninh (ảnh: N.H).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu sau Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc làm cho tiến độ triển khai nuôi biển đang chậm, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân; đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế về kinh tế biển, khoa học công nghệ nuôi biển.

Hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” thu hút đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Cùng với các cơ quan hữu quan, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển, lãnh đạo các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nuôi trồng thủy sản, hội nghị còn có sự tham dự của các đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Australia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan; các tổ chức quốc tế như: UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV…

Tại Hội nghị sẽ diễn ra các phiên tọa đàm, thảo luận về tiềm năng và thách thức nuôi trồng thủy sản biển và các giải pháp phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh. Qua đó, các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, người dân nuôi trồng thủy sản… sẽ cùng nhau nhìn nhận, đánh giá thực trạng nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới, nhằm có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ đó tìm kiếm giải pháp phù hợp góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích