Hội chợ triển lãm quốc tế VietShrimp 2024: Mở rộng kinh doanh trong ngành Thủy sản

Đồng hành cùng người nuôi tôm

1
Cà Mau có thế mạnh về ngành hàng tôm.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp) lần thứ 5 năm 2024 được phối hợp giữa Cục Thuỷ sản Việt Nam, Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS) và Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam sẽ mang đến các nội dung chuyên sâu và đa dạng, mở ra nhiều cách tiếp cận và giải pháp mới cho ngành tôm tại Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục là diễn đàn lớn để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người nuôi tôm cùng tìm giải pháp hữu hiệu để con tôm Việt Nam thành công vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng cũng như ghi nhận những kỷ lục mới…

VietShrimp đã được tổ chức rất thành công 4 lần vào các năm 2016, 2018 (tại tỉnh Bạc Liêu) và 2021, 2023 (tại thành phố Cần Thơ); trở thành sự kiện lớn của ngành thủy sản Việt Nam và là một hội chợ chuyên ngành về tôm mang tầm cỡ khu vực và châu Á.

Theo kế hoạch, Chương trình Hội thảo quốc tế Vietshrimp 2024 sẽ diễn ra liên tục trong hai ngày, từ ngày 20 – 22/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau. Địa chỉ: Số 1, đường Lê Duẩn, Phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Hội thảo không chỉ là diễn đàn khoa học với các nội dung chuyên sâu và đa dạng, mà còn mang đến cơ hội trao đổi, tranh luận và học tập cho các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản.

VietShrimp 2024 dự kiến sẽ có khoảng 250 gian hàng của 150 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến ngành thủy sản nói chung và tôm nói riêng. Các phiên hội thảo chuyên đề với sự tham gia và chia sẻ thông tin hữu ích của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp tâm huyết với ngành tôm Việt Nam.

Hội chợ Triển lãm VietShrimp 2024 với sự tham gia của các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành thủy sản như: Minh Phú, Nutreco, Uni-president, Cargill, Thăng Long, Grobest, Lallemand, Vĩnh Thịnh Biostadt, DSM Nutritional, Tomota, Việt Nam Food, Hendrix Genetics, Entobel, ASC, Blue Aqua, Vemedim, Adisseo, Olmix, BCF, SyAqua, Mixscience, BQ&Q, I&V, Thài Nam Việt, …

Với chủ đề “Đồng hành cùng người nuôi tôm”, VietShrimp 2024 mong muốn đây sẽ là diễn đàn lớn để 4 nhà: nhà quản lý – nhà khoa học – nhà kinh doanh – nhà nôngcùng nhau họp bàn tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho con tôm Việt Nam.

VietShrimp 2024 tổng cộng sẽ có 04 phiên Hội thảo xoay quanh các chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt”; “Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn”; “Tăng cường chất lượng nâng tầm giá trị” và “Để nuôi tôm đem lại hiệu quả cao nhất”.

Đặc biệt, ngày 20/3, tại phiên khai mạc Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt” sẽ được chủ trì bởi Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân, một số bài tham luận sẽ được trình bày liên quan đến các vấn đề đang được nhiều người quan tâm, đó là: Tổng quan chuỗi tôm Việt dưới góc nhìn kinh tế tuần hoàn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thách thức và tiềm năng của tôm Việt trong bối cảnh năm 2024 của Bộ Công Thương; Giải pháp công nghệ đối với sản phẩm tôm Việt: Định hướng theo kinh tế tuần hoàn của WWF; Skretting Việt Nam và tham vọng hướng đến nuôi trồng thủy sản không phát thải ròng; Ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm trong giảm phát khí thải của Tomota; Giái pháp dinh dưỡng và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành tôm Việt Nam của Tập đoàn De Heus; Kinh tế tuần hoàn trong chế biến tôm của Việt Nam Food; Phương pháp tiếp cận toàn diện Cargill trong nuôi tôm của Tập đoàn Cargill.

Mở rộng kinh doanh trong ngành Thủy sản

2
Tại Vietshrimp 2024, các doanh nghiệp phát triển và mở rộng kinh doanh cùng vô vàn những cơ hội mới.

Với mong muốn tiếp tục đưa con tôm Việt Nam đến với nhiều thị trường mới, khẳng định vị thế, thương hiệu trên bản đồ ngành công nghiệp tôm toàn cầu, Ban Tổ chức VietShrimp 2024 hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của hàng triệu người nuôi tôm, các trang trại, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước, quốc tế; các sở ban ngành, cơ quan thông tấn báo chí cũng như khách tham quan.

Tại Vietshrimp 2024, các doanh nghiệp phát triển và mở rộng kinh doanh cùng vô vàn những cơ hội mới: Kết nối trực tiếp đến các doanh nghiệp, chuyên gia và lãnh đạo đầu ngành thủy sản; Trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trực tiếp đến hơn 20.000 khách hàng chuyên ngành thuỷ sản; Rút ngắn chu kỳ sản xuất cũng như bán hàng thông qua các ứng dụng kết nối mới; Cập nhật tin tức thị trường tại Việt Nam và thế giới; Trau dồi và hoàn thiện kiến thức chuyên môn tại các hội thảo học thuật…

Hơn hai thập kỷ qua, ngành tôm luôn giữ vai trò tiên phong trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam với thế giới. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 – 4 tỉ USD. Năm 2023, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang khoảng 100 thị trường, trong đó có 5 thị trường lớn nhất gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Theo đánh giá, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên con tôm vẫn vững vàng vị thế chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam và có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.

Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 737.000ha, sản lượng khoảng 1,12 triệu tấn. Đáng chú ý, tuy diện tích nuôi cơ bản không tăng nhưng tổng sản lượng tôm lại tăng tới 5,5% so với năm 2022. Dù vậy, khó khăn từ nhiều phía khiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 bị sụt giảm, chỉ đạt 3,45 tỉ USD, giảm 19,8% so với năm 2022. Năm 2024, tình hình xuất khẩu tôm được dự báo sẽ khởi sắc và tăng nhẹ từ 10 – 15% so với năm 2023, dự kiến thu về hơn 4 tỉ USD.

Năm 2023, ngành thủy sản nói chung trong đó có con tôm cũng đã chứng kiến sự sụt giảm nhất định do nhiều yếu tố khách quan tác động như: thời tiết bất thường, giá vật tư đầu vào tăng liên tục và neo ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn rất lớn. Bên cạnh đó, lạm phát xảy ra tại nhiều quốc gia, chi phí logistics lớn… dẫn đến xuất khẩu không thể khởi sắc, hệ lụy trực tiếp là giá bán tôm nguyên liệu trong nước bị liên đới.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm 2024, những khó khăn, thách thức của ngành tôm vẫn chưa hết. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ngắn hạn bởi dự báo phát triển của ngành tôm vẫn rất khả quan, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2024.

Để nhanh chóng vượt qua những thách thức trước mắt và phát triển bền vững ngành hàng quan trọng này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ, nhanh chóng tận dụng tốt những cơ hội mới. Trong đó, vấn đề quan trọng là đồng hành cùng người nuôi tôm, giữ vững các đầm tôm để đảm bảo được đà xuất khẩu.

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích