Học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 15

IMG_20220929_100229_861
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Quận ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Quận ủy phát biểu trụ trì tại hội nghị.

Tới dự với hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Hùng – Quận ủy viên – Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Quận ủy; đồng chí Vũ Mạnh Chiến – Quận ủy viên – Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận; đồng chí Nguyễn Văn Quang – Phó Bí thư – Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận. Cùng các đồng chí là ủy viên Ban thường vụ, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối, các đồng chí đảng viên các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp quận.

IMG_20220929_105223_297
Các đồng chí dự tại hội nghị.

Về Học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:

Mục tiêu đến năm 2030:

Thủ đô Hà Nội là thành phố “văn hiến – văn minh – hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 – 2030 tăng 8,0 – 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 – 13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

8 nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội “văn hiến – văn minh – hiện đại”.

2. Phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực.

3. Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

4. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

5. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống.

6. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô.

7. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

8. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

IMG_20220929_105440_029
Toàn cảnh hội nghị.

Về bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về “một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”:

Trong bối cảnh cả nước thi đua triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đột phá chiến lược nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và 5 năm 2021 – 2025, hiện thực hóa mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid – 19 và từng bước thích ứng, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, những chỉ đạo của Tổng Bí thư trên các lĩnh vực, từ những vấn đề lý luận chung đến sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các ngành, các cấp đã có tác động hết sức to lớn, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cả dân tộc phấn đấu đi lên. Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện, khách quan cả về thành tựu và những hạn chế, yếu kém, đồng thời phân tích cụ thể nguyên nhân, đồng chí Tổng Bí thư đã định hướng các giải pháp cụ thể cần tập trung thực hiện.

Bài viết của Tổng Bí thư thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn; về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới; giúp cán bộ, Đảng viên và Nhân dân hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích