Hành trình 120 năm Du lịch Sa Pa

Địa hình Lào Cai chủ yếu là núi, dọc theo dãy Hoàng Liên, xen kẽ giữa các đỉnh núi cao và thung lũng, tạo ra cảnh quan núi rừng, hang động, thác nước đặc sắc và đa dạng, hệ động thực vật phong phú, những cao nguyên với khí hậu mát mẻ, thiên nhiên hùng vỹ: Đỉnh Fansipan cao 3.143m – nóc nhà Đông Dương; Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Khu bảo tồn thiên nhiên Văn Bàn, Bát Xát,…. Lào Cai có giá trị cao để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch thể thao và du lịch mạo hiểm.

Hành trình 120 năm Du lịch Sa Pa
Họp báo giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa

Sa Pa có khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới, mát mẻ quanh năm, tạo cho Lào Cai trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng. Sa Pa cũng là nơi sinh sống của 25 nhóm, ngành dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo. Các dân tộc vùng cao với bản sắc văn hóa truyền thống, như tập quán canh tác ruộng bậc thang, bản làng, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực, lễ hội truyền thống, chợ phiên vùng cao, tôn giáo, tín ngưỡng,… là sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.

Theo Ban Tổ chức, Lễ kỷ niệm sẽ gắn với các chương trình nghệ thuật đặc biệt giới thiệu hành trình 120 năm Du lịch Sa Pa; quảng bá tiềm năng du lịch nổi trội, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc riêng có của Sa Pa; mục tiêu hướng tới xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế. Đây cũng là sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, Phó Ban Tổ chức Sự kiện 120 Du lịch Sa Pa cho biết, Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9 tại Thị xã Sa Pa, gắn với các hoạt động quảng bá du lịch.

Chuỗi sự kiện bao gồm Giải bóng chuyền nữ VTV Cup được tổ chức vào quý 3/2023 tại thành phố Lào Cai; giới thiệu sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn; Liên hoan ẩm thực quốc tế tại thành phố Lào Cai; Hội chợ Thương mại biên giới Việt – Trung (Lào Cai ) năm 2023; Hội thảo khoa học “Du lịch Sa Pa 120 năm hình thành và phát triển”/ ”Sa Pa – hành trình từ trạm nghỉ dưỡng thành Khu du lịch quốc gia”; cùng nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch khác.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban tổ chức Lễ Kỷ niệm 120 Du lịch Sa Pa nhấn mạnh: “Sa Pa đã và đang trở thành điểm đến ghi dấu đậm nét trong lòng du khách trong và ngoài nước với vẻ đẹp hùng vĩ, khác biệt về địa hình, khí hậu, cảnh quan, cùng với văn hóa độc đáo, đặc sắc. Sa Pa đã trải qua 120 năm hình thành phát triển du lịch. Từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên Đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt trạm nghỉ dưỡng để đón kiều dân Pháp, cho đến hôm nay Sa Pa đã trở thành khu du lịch quốc gia, luôn nằm trong Top 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và Top 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Để khẳng định thương hiệu Du lịch Sa Pa – Lào Cai, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa phát triển bền vững, mang tầm cỡ quốc tế, tỉnh Lào Cai tổ chức kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa với trên 20 sự kiện hấp dẫn và nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá ý nghĩa gắn với kỷ niệm 65 năm Bác Hồ đến thăm Lào Cai”.

Hành trình 120 năm Du lịch Sa Pa
Ban Tổ chức giới thiệu Bộ nhận diện 120 năm Du lịch Sa Pa

Giai đoạn vừa qua, du lịch Lào Cai đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá” của tỉnh, Lào Cai là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về thu hút đầu tư, lượng khách du lịch và nguồn thu từ hoạt động du lịch.

Giai đoạn 2015 – 2019 du lịch Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 22,6%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 44,2%/năm. Mức chi tiêu bình quân năm 2019: Khách quốc tế: 2.800.000 đồng/người/ngày (tương đương 122 USD/người/ngày); khách nội địa: 1.650.000 đồng/người/ngày. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lượng khách đến Lào Cai trong năm 2020 giảm mạnh, đạt 2.300.090 lượt khách, giảm 55% so với năm 2019, đạt 41,8% kế hoạch năm.

Lào Cai đã thu hút trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Lào Cai, với tổng nguồn vốn thu hút đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt trên 50.000 tỷ đồng.

Nhiều dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, Khu du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế được du khách trong nước và quốc tế đón nhận như: Khu du lịch Cáp treo Sun World Fansipan Legend được tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế trao tặng giải thưởng “Điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam”; Khu sinh thái Topas; Khu du lịch cộng đồng Lá Dao; Sapa Jade Hill Resort,…

Tính theo mốc thời gian 20 năm gần đây nhất, Sa Pa đã đón 200.000 nghìn lượt khách vào năm 2003; 800.000 nghìn lượt năm 2013 và đến năm 2023 dự kiến số lượt khách đến với Sa Pa là 3,5 triệu lượt, chiếm gần 60% lượt khách đến tỉnh Lào Cai. Mục tiêu năm 2023, Lào Cai phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, trong đó Sa Pa phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách.

Theo Quyết định 316/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.

Phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế; xây dựng Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia. Phát triển khu vực Bảo Hà (Bảo Yên) – Tân An (Văn Bàn) trở thành trung tâm du lịch văn hóa tín ngưỡng cấp vùng và quốc gia.”

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích